|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài học về giảm chi phí lương bằng cơ chế khoán quĩ lương của nhà máy sản xuất bê tông

05:38 | 18/10/2020
Chia sẻ
Phó chủ tịch một tập đoàn khẳng định khoán quĩ lương sẽ tạo ra sự đột phá, và hiệu quả kinh doanh sẽ khác rất nhiều so với việc không khoán.

Là Phó chủ tịch tập đoàn xây dựng AMACCAO, tiến sĩ Tô Nhật nói rằng trong xây dựng, tập đoàn khoán đào bằng mức giá theo mỗi m2, khoán sơn theo m2, xây theo m3. Mọi người làm trong ngành xây dựng đều biết doanh nghiệp xây dựng phải khoán rất nhiều công việc để đơn giản hóa công tác quản lí.

"Vì thu nhập liên quan đến công khoán nên người lao động sẽ làm việc với năng suất cao nhất có thể", ông Nhật phát biểu trong một buổi tọa đàm hồi đầu tháng 10.

Trong sản xuất ở nhà máy rượu và nước AVIVA, tập đoàn chủ trương khoán trong các khâu thổi chai, đóng chai, soi chai rượu. Với sản phẩm ống nhựa EuroPipe, tập đoàn khoán sản xuất phụ kiện, sản xuất ống nhựa mét dài. 

"Khi sản xuất cống bê tông, chúng tôi khoán theo cái. Chúng tôi khoán theo viên với gạch, mét dài với cọc. Để có thể khoán, chúng tôi đổi mọi thứ ra kg, chiếc, độ dài, sản phẩm", ông Nhật nói.

Ban đầu, khi sản lượng chưa ổn định, tập đoàn chấp nhận chấm lương theo công nhật. Khi đó, họ cần quản lí chặt chẽ với thời gian, giao cho đốc công nhiệm vụ ép việc và kiểm soát chất lượng. 

Ban lãnh đạo khoán quĩ lương trong bộ phận hành chính, kế toán, quản lí chúng. 8 năm trước, nhà máy bê tông Amaccao Vân Nội đưa ra chủ trương khoán quĩ lương. Mọi chi phí lương, thưởng của các nhà quản lí, công nhân, nhân viên hành chính đều qui đổi thành tỉ lệ phần trăm quĩ lương, giao khoán cho ban giám đốc. 

Bài học về giảm chi phí lương bằng cơ chế khoán quĩ lương của nhà máy sản xuất bê tông - Ảnh 1.

Tiến sĩ Tô Nhật (người thứ hai từ trái sang) thị sát một nhà máy của tập đoàn Amaccao. (Ảnh: Amaccao)

Trước khi khoán, chi phí lương chiếm khoảng 14,5% doanh thu. Vì thế, ban đầu nhà máy đề ra mục tiêu khoán là chi phí lương chiếm 12,5% doanh thu, nghĩa là nếu doanh thu đạt 10 tỉ động, nhà máy sẽ có 1,25 tỉ đồng để chi lương và thưởng cho mọi cấp. 

"Nếu ban giám đốc cân đối chi lương và thưởng hết 1 tỉ đồng, họ sẽ còn 50 triệu đồng để chia cho mọi người vào cuối năm. Giám đốc hưởng 30-40% số dư, còn phó giám đốc nhận 10-15%. Phần còn lại dành cho các cấp dưới của họ", ông Nhật giải thích.

Nỗ lực của ban giám đốc nhà máy thay đổi hẳn so với khi chưa khoán. Trước đây, Hội đồng quản trị tập đoàn quyết định hoạt động tuyển nhân sự vào nhà máy. Nhưng sau khi khoán, ban giám đốc sẽ tự quyết định từng vị trí, từng công đoạn để giảm tối đa số lượng người lao động. 

Ngoài ra, ban giám đốc cũng luôn tìm tòi, trăn trở để nâng cao năng suất lao động, thay đổi phương pháp, công nghệ để giảm số lượng nhân sự không cần thiết. Hội đồng quản trị không thể ép ban giám đốc nhận thêm người vì việc đó liên quan tới quĩ lương khoán của họ. 

Khi năng suất lao động tăng hoặc khi đầu tư công nghệ hiện đại hơn, Hội đồng quản trị sẽ đàm phán lại mức khoán. 

"Đây là cách thức mà chúng tôi đã và đang áp dụng đối với mọi nhà máy đã hoạt động ổn định. Hiện tại, tổng quĩ lương của nhà máy bê tông Amaccao Vân Nội đã giảm xuống dưới 9%", ông Nhật tiết lộ.

Nhạc Phong