|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bậc thầy phát hiện bong bóng: Thị trường chứng khoán Mỹ nay còn tồi tệ hơn năm 2000, sẽ giảm 40% từ đỉnh

10:22 | 19/05/2022
Chia sẻ
Huyền thoại Jeremy Grantham cho biết chứng khoán Mỹ hiện nay rất giống với bong bóng công nghệ năm 2000, nhưng có một số điểm khác biệt khiến tình hình tồi tệ hơn nhiều. Ông dự đoán Mỹ sẽ sớm rơi vào suy thoái và thậm chí có thể rơi vào quỹ đạo nguy hiểm như thập niên 1970.

 

Ông Jeremy Grantham, đồng sáng lập công ty đầu tư GMO. (Ảnh: Getty Images)

Huyền thoại đầu tư Jeremy Grantham tin rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang ở trong một bong bóng còn tồi tệ hơn năm 2000 và đang trong quá trình sập.

Nhà sáng lập 83 tuổi của công ty đầu tư GMO đã chứng kiến nhiều chu kỳ chứng khoán bùng nổ và sụp đổ. Ông nổi danh với việc dự đoán đúng cú sập của bong bóng giá tài sản Nhật Bản thập niên 1980, bong bóng công nghệ năm 2000 và bong bóng nhà đất năm 2008.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Grantham dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ giảm ít nhất 40% từ đỉnh và đà suy giảm rất có thể sẽ kéo dài.

“Ngày hôm nọ, chỉ số S&P 500 giảm 19,9% từ đỉnh và Nasdaq mất 27%. Khả năng cao là tổn thất thực sự còn lớn gấp đôi những con số này, mà đấy là trong trường hợp khả quan nhất. Còn nếu không may thì thiệt hại sẽ lớn gấp ba và có thể kéo dài vài năm như những gì đã xảy ra trong những năm 2000”.

Theo tờ Business Insider, nếu thực tế diễn ra theo dự đoán của ông Gramham, chỉ số S&P 500 sẽ rớt xuống còn 2.880 điểm, tương tự như khi chứng khoán Mỹ bị đẩy vào thị trường gấu vì COVID-19 hồi tháng 3/2020. Kết phiên 18/5, chỉ số S&P 500 giảm gần 17% so với đầu năm, xuống 3.923,68 điểm.

Nhìn bề ngoài, thị trường chứng khoán Mỹ hiện nay giống với bong bóng dot-com năm 2000 do cú sốc chủ yếu đến từ cổ phiếu công nghệ.

“Bong bóng hiện nay có bề ngoài rất giống năm 2000, tập trung vào cổ phiếu công nghệ Mỹ. Khi bong bóng hình thành, chỉ số Nadaq tiến lên đỉnh cao đáng kinh ngạc và khi bong bóng xì hơi thì Nasdaq cũng đi xuống đầu tiên. Nasdaq và Russell 2000 bắt đầu giảm sớm hơn nhiều so với S&P 500”.

Song, có một số khác biệt nghiêm trọng giữa bong bóng công nghệ năm 2000 và thị trường chứng khoán ngày nay khiến ông Grantham run sợ. 

“Điều tôi sợ là thị trường hiện tại có một số khác biệt nghiêm trọng hơn so với năm 2000. Một trong số đó là bong bóng 2000 tập trung hoàn toàn vào cổ phiếu Mỹ, còn trái phiếu vẫn tuyệt vời, lợi suất rất ưu đãi, nhà đất rẻ và thị trường hàng hóa hoạt động trơn tru”.

Ông cho rằng so với ngày nay thì năm 2000 “là cả một thiên đường”. Giá hàng hóa đang tăng vũ bão do chiến sự giữa Nga và Ukraine. Và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chu kỳ tăng lãi suất đang tạo ra rất nhiều đau đớn cho thị trường trái phiếu.

Ông Grantham nói tiếp: “Điều mà bạn không bao giờ muốn làm trong bong bóng là dính dáng tới thị trường nhà đất...giá nhà trên thu nhập hộ gia đình của Mỹ hiện nay còn cao hơn đỉnh của bong bóng nhà ở năm 2000.

Bên cạnh đó, gần đây thị trường trái phiếu vừa tạo đáy thấp nhất trong hàng nghìn năm lịch sử. Giá năng lượng thì tăng vọt, giá thực phẩm và kim loại trong chỉ số của Liên Hợp Quốc cao hơn bao giờ hết. Như vậy, chúng ta đang gặp rắc rối với mọi loại tài sản và lịch sử cho thấy điều này rất nguy hiểm”.

Những điểm trên khiến ông Grantham nhận thấy rằng thị trường Mỹ ngày nay cũng rất giống với bong bóng tài sản khổng lồ của Nhật Bản cuối thập niên 1980. Đến nay, chứng khoán Nhật Bản vẫn chưa quay trở lại đỉnh cao năm 1989.

Nhiều nhà đầu tư đang có ý định săn lùng món hời trên thị trường chứng khoán do định giá đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông Grantham cảnh báo nhà đầu tư cần cẩn thận, nhấn mạnh rằng biên lợi nhuận ước tính của hầu hết doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng khi suy thoái kinh tế xảy ra: “Thứ đầu tiên ra đi trong suy thoái là biên lợi nhuận, và Mỹ thì sắp rơi vào suy thoái”.

Kịch bản trên đang diễn ra ngay trong tuần này với các nhà bán lẻ. Cả Walmart và Target đều dự báo rằng chi phí đầu vào sẽ tăng cao và vì thế biên lợi nhuận sẽ giảm đi.

Viễn cảnh tồi tệ hơn nữa là cuộc suy thoái kinh tế sẽ rơi vào quỹ đạo như thập niên 1970, tức tăng trưởng kinh tế giảm tốc diễn ra cùng lúc với lạm phát cao dai dẳng. Ông Gratham chỉ ra: “Những gì xảy ra ngày nay có những nét tương đồng với thời kỳ lạm phát kèm suy thoái những năm 1970”. 

Giang