Arab Saudi tiếp tục giảm giá dầu cho khách hàng châu Á, báo hiệu cuộc chiến nguồn cung chưa kết thúc
Bloomberg nhận định cạnh tranh khốc liệt chính là nguyên nhân tại sao Arab Saudi - nhà lãnh đạo của liên minh dầu mỏ OPEC, trong tuần này lại giảm giá bán chính thức cho khách hàng châu Á trong tháng 5 tới nhiều hơn dự kiến.
8 trong số 11 công ty lọc dầu lớn tại Arab Saudi được Bloomberg khảo sát cho biết họ hoan nghênh chiến lược quảng cáo của Saudi Aramco, trong khi ba công ty còn lại cho hay họ dự đoán giá dầu đáng lẽ phải giảm mạnh hơn.
Mặc dù cuộc chiến giá dầu đã lắng dịu vào cuối tuần qua, không có lí do gì để nghĩ rằng "cơn lũ" dầu thô giá rẻ đang quét qua châu Á sẽ nhanh chóng biến mất khi mà đại dịch COVID-19 tiếp tục làm trì trệ nhu cầu.
Các sản phẩm dầu thô như Urals của Nga, Mars của Mỹ và một số loại khác của Abu Dhabi đã được chào mời cho khách hàng với nhiều ưu đãi như thanh toán khi giao hàng, ngày nhận hàng linh hoạt trong bối cảnh thương gia cố gắng chuyển các siêu tàu chứa đầy dầu thô chưa bán được đến thị trường châu Á.
Mức giá chào bán mới nhất của Arab Saudi cho thấy "thị trường dầu mỏ vẫn còn nguy cơ mất kiểm soát nghiêm trọng", ông Michael Hsuel - chiến lược gia tại ngân hàng Deutsche Bank AG, nhận định.
"Điều đó cho thấy cuộc chiến giá dầu sẽ thúc đẩy thương nhân xuất khẩu một phần dầu thô chưa bán được đến thị trường châu Á", ông Hsuel nói thêm.
Theo Bloomberg, so với tháng trước, Saudi Aramco đã giảm giá bán chính thức của sản phẩm dầu thô Arab Light giao tháng 5 cho khách hàng châu Á thêm 4,2 USD/thùng, vượt qua mức giảm dự kiến trước đó là 3,63 USD/thùng.
Arab Saudi vẫn thực hiện động thái trên dù đã đạt được thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô kỉ lục 9,7 triệu thùng/ngày với các nhà sản xuất trong liên minh OPEC+ nhằm hỗ trợ giá dầu.
Theo thỏa thuận mới, Mexico sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày như ban đầu được yêu cầu, theo CNBC.
Quá trình giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục giảm thêm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và giảm thêm 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1/2021 - 4/2022.
Ban đầu vào ngày 9/4, liên minh OPEC+ đề xuất giảm 10 triệu thùng/ngày - tương đương 10% nguồn cung dầu thô toàn cầu, nhưng Mexico đã phản đối hạn mức cắt giảm được giao, khiến thỏa thuận rơi vào bế tắc.
Cạnh tranh gay gắt
Theo các thương nhân giấu tên, khu vực Tây Phi hiện đang có khoảng 20 triệu thùng dầu thô giao tháng 4 chưa bán được. Cộng dồn với số thùng dầu thô giao tháng 5 bị ứ đọng, lượng tồn kho của khu vực này được cho là đang cao hơn con số của tháng trước ít nhất ba lần.
Dầu thô từ các nhà sản xuất Trung Đông không phải Arab Saudi cũng đang được chào bán trên cơ sở nhận tiền khi giao hàng, cho phép khách hàng lựa chọn ngày nhận phù hợp. Các sản phẩm dầu thô được nhắc đến bao gồm Oman và Upper Zakum, Bloomberg dẫn ba nguồn thạo tin cho hay.
Bên cạnh tình trạng thừa cung, Aramco và các công ty dầu mỏ lớn khác đang vật lộn với vấn đề nhu cầu tiếp tục thu hẹp, đặc biệt là tại Ấn Độ - quốc gia vừa gia hạn lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới đến ngày 3/5.
Đầu tuần này, Iraq cho biết họ gặp vấn đề tiếp thị dầu thô trong bối cảnh nguồn cung dư thừa, giá dầu thấp và kinh tế toàn cầu suy thoái.
Đến ngày 14/4, các công ty lọc dầu tại châu Á mới quyết định khối lượng dầu thô sẽ thu mua từ Aramco. Ít nhất hai hãng chế biến dầu thô cho biết họ đang đặt mua khối lượng dầu thô như thường lệ cho tháng 5.
Các nhà sản xuất dầu thô khác như Kuwait, Iraq và Abu Dhabi dự kiến sẽ sớm công bố mức giá chào bán riêng.