|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Áp lực thanh khoản ngoại tệ cuối năm có đáng lo?

16:21 | 13/11/2016
Chia sẻ
Báo cáo tài chính (BCTC) quí 3-2016 vừa công bố của các ngân hàng cho thấy áp lực thanh khoản ngoại tệ đã tăng lên, liệu quí 4-2016 có tiếp tục ở mức cao và gây ra những lo ngại?
ap luc thanh khoan ngoai te cuoi nam co dang lo

Tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đang có những biến động đáng chú ý trong tuần cuối tháng 10, làm dấy lên lo ngại về sóng tỷ giá theo chu kỳ thường diễn ra vào cuối năm, nhất là trong bối cảnh khả năng tăng lãi suất cơ bản đồng đô la của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày càng cao hơn khi tăng trưởng kinh tế quí 3 của Mỹ đạt 2,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất trong hai năm gần đây.

Dư nợ cho vay ngoại tệ tăng trưởng mạnh hơn so với tiền đồng trong quí 3

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mở lại cửa cho vay ngoại tệ từ 1-6-2016 theo Thông tư số 07/2016/TT-NHNN, dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng đã tăng trưởng trở lại trong quí 3-2016. Cụ thể, nếu như tăng trưởng dư nợ ngoại tệ toàn ngành vào ngày 24-6-2016 giảm 4,64% so với đầu năm, thì đến ngày 31-8-2016 chỉ còn giảm 0,33% và tính đến cuối tháng 9-2016 đã tăng trở lại 5,44% so với đầu năm, đặc biệt tháng 9 tăng mạnh 3,69% so với tháng 8.

Theo BCTC quí 3 của các ngân hàng, dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước như VietinBank tăng mạnh 29,7% so với quí 2 và tăng 31,6% so với đầu năm; của Vietcombank tăng tương ứng là 12,2% và 8,7% còn BIDV là 6,9% và 3,5%. Ở nhóm NHTM cổ phần, dư nợ cho vay ngoại tệ của Techcombank quí 3 tăng mạnh 41,9% so với quí 2, sau khi đã giảm 9,1% trong sáu tháng đầu năm; tương tự ở SHB, hai con số này là 9,3% và -4,9%. Thậm chí đối với những ngân hàng như Eximbank và Sacombank thì dư nợ cho vay ngoại tệ quí 3 vẫn tăng trưởng lần lượt 5,8% và 2% so với quí 2, trong khi so với đầu năm vẫn còn giảm tương ứng là 10,3% và 0,02%.

Tỷ lệ dư nợ cho vay ngoại tệ so với nguồn vốn huy động từ ngoại tệ của các ngân hàng đã tăng mạnh trong quí 3 và một số ngân hàng đã vượt 100%.

Trong khi đó, dư nợ cho vay tiền đồng của các ngân hàng lại tăng trưởng rất chậm trong quí 3, cụ thể ở nhóm NHTM nhà nước như VietinBank, Vietcombank, BIDV dư nợ tiền đồng so với quí 2 tăng lần lượt là 2,5%, 3,4% và 2,3%, trong khi so với đầu năm vẫn tăng trưởng tích cực tương ứng ở các mức 14,2%, 17,3% và 13,9%. Tương tự, đối với nhóm NHTM cổ phần, dư nợ cho vay tiền đồng của Techcombank trong quí 3 tăng 4% so với quí 2, SHB là 4,2%, thậm chí đối với Eximbank là giảm 0,9% và Sacombank giảm 2,3%.

Các chính sách nhắc nhở, kiểm soát hoạt động tín dụng của NHNN trong thời gian qua đã ít nhiều tác động đến hoạt động cho vay tiền đồng của các ngân hàng, như yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro cấp tín dụng các dự án BOT, BT; yêu cầu dừng thực hiện việc cho vay mới để trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn; tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, việc phải tiếp tục xử lý thu hồi nợ xấu cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng.

Quyết định áp dụng theo cách tính mới trong Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, theo đó tất cả các khoản nợ quá hạn đều tính vào dư nợ cho vay trung dài hạn cũng khiến các ngân hàng khó có thể rót vốn vào các dự án trung dài hạn. Theo thống kê mới nhất của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của nhóm NHTM nhà nước đã tăng từ 33,41% trong tháng 6 lên 35,58% trong tháng 7, còn của nhóm NHTM cổ phần tăng mạnh lên 40,88%, sau khi duy trì quanh 35-36% trong suốt sáu tháng đầu năm.

Ngược lại, với nhu cầu nhập khẩu về cuối năm ngày càng tăng lên, nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp dĩ nhiên đã và sẽ tiếp tục lên cao. Trong khi đó, mặc dù thời gian qua các ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tiền đồng, nhưng chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ vẫn khá cao, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ vẫn ưa chuộng vay ngoại tệ nhiều hơn. Hiện tại các ngân hàng đều cung cấp các sản phẩm mua bán ngoại tệ kỳ hạn nên doanh nghiệp có thể sử dụng các sản phẩm này, do đó cũng không quá lo ngại rủi ro tỷ giá.

Đứng về phía ngân hàng, việc đẩy mạnh cho vay ngoại tệ là điều dễ hiểu. Với lãi suất huy động đầu vào đối với đô la Mỹ đang là 0% trong khi lãi suất cho vay đầu ra từ 3-6%, rõ ràng biên độ lãi suất cho vay đô la Mỹ đang cao hơn nhiều so với tiền đồng, do đó giúp ngân hàng sinh lời cao. Ngoài ra, khi cho vay ngoại tệ, ngân hàng có thể bán kèm theo các sản phẩm mua bán ngoại tệ kỳ hạn, làm tăng nguồn thu từ dịch vụ kinh doanh ngoại hối.

Tiền gửi đô la Mỹ chọn nơi an toàn

Ngược lại với dư nợ cho vay, huy động vốn ngoại tệ của hầu hết ngân hàng trong quí 3 tiếp tục sụt giảm so với quí 2, sau khi đã giảm trong sáu tháng đầu năm nay. Cụ thể, huy động vốn ngoại tệ quí 3 của BIDV giảm 10,5% so với quí 2 và giảm 21,7% so với đầu năm; của Eximbank giảm tương ứng là 13,1% và 35,1%; của Sacombank giảm 4,4% và 17,9%; của SHB giảm 4,1% và 10,2%; của Techcombank giảm 3,0% và 9,9%.

Tuy nhiên, huy động vốn ngoại tệ của VietinBank trong quí 3 tăng mạnh tới 32,6% so với quí 2, trong đó riêng tiền gửi đô la Mỹ tăng 38,8% so với quí 2 và tăng 40,2% so với đầu năm; của Vietcombank tăng 3,8% so với quí 2, trong đó riêng tiền gửi đô la Mỹ tăng 4,8%, giúp tăng trưởng so với đầu năm dương trở lại ở mức 1,1%. Trong bối cảnh trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ là 0% từ cuối năm 2015, khách hàng có xu hướng chuyển dịch tiền gửi đô la Mỹ sang tiền đồng, hoặc nếu quyết định vẫn nắm giữ đô la Mỹ thì sẽ chọn những ngân hàng lớn có uy tín, thương hiệu, hoạt động hiệu quả và là NHTM nhà nước để gửi.

Đáng chú ý, trong cơ cấu huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng này, nếu như tiền gửi đô la Mỹ tăng trưởng tích tực thì tiền gửi các loại ngoại tệ khác đều sụt giảm trong quí 3. Tiền gửi ngoại tệ khác của VietinBank giảm 24,2% so với quí 2; của Vietcombank giảm 11,7% so với quí 2. Với dự báo đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục tăng so với các loại ngoại tệ khác, trong khi các loại ngoại tệ khác như đồng yen (Nhật), đồng bảng (Anh), euro đều chịu áp lực giảm từ động thái nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương và từ sự kiện Brexit, thì giới đầu tư có xu hướng chuyển sang nắm giữ đô la Mỹ nhiều hơn.

Thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực?

Với dư nợ cho vay ngoại tệ tăng mạnh trong khi huy động vốn ngoại tệ sụt giảm trong quí 3 và dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong quí 4 năm nay thì thanh khoản vốn ngoại tệ của các ngân hàng có thể chịu nhiều áp lực. Hiện tại, tỷ lệ dư nợ cho vay ngoại tệ so với nguồn vốn huy động từ ngoại tệ của các ngân hàng đã tăng mạnh trong quí 3 và một số ngân hàng đã vượt 100%.

Cụ thể, tỷ lệ dư nợ cho vay đô la Mỹ/huy động đô la Mỹ của BIDV đã tăng từ mức 146% vào cuối năm 2015 lên mức 192% vào cuối quí 3; của Eximbank tăng từ 83% lên 115%; của Vietcombank tăng từ 68,7% lên 73%; của SHB tăng từ 60% lên 66% và của Sacombank tăng từ 78% lên 95%. Trong khi đó, VietinBank dù giảm từ 173% ở thời điểm đầu năm xuống còn 162% tính đến cuối quí 3, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức rất cao.

Tuy nhiên, dự báo Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 khi kinh tế của Mỹ ngày càng cải thiện có thể kích thích nguồn vốn chuyển dịch sang đô la Mỹ và do đó có thể giúp tăng nguồn tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng. Ngoài ra, với quy định các khoản cho vay ngoại tệ dành cho đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu sẽ kết thúc vào ngày 31-12-2016, dư nợ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng có thể giảm trở lại khi kết thúc năm, từ đó giúp cải thiện thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng.

Trong trường hợp thanh khoản ngoại tệ không được cải thiện, các ngân hàng có thể phải tìm đến các khoản vay ngoại tệ từ nước ngoài để tăng nguồn vốn ngoại tệ nhằm cân đối vốn phù hợp, như cách VietinBank đã làm trong tháng ba đầu năm nay khi ký kết hợp đồng vay vốn trị giá 200 triệu đô la Mỹ với 18 ngân hàng quốc tế lớn.

Hồ Lê