Nới thời gian cho vay ngoại tệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Vay USD ngày càng khó | |
Siết cho vay ngoại tệ, ngân hàng có nên lo? |
Ảnh minh hoạ. |
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24 NHNN ngày 8/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trước đó, thông tư này đã được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số 18 (ngày 27/12/2017) tiếp tục gia hạn thêm 1 năm cho nhu cầu vay vốn ngoại tệ, tức đến hết ngày 31/12/2018.
Việc siết dần hoạt động cho vay bằng ngoại tệ là nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã đưa ra mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Dự thảo sửa đổi lần này đã sửa đổi một số điều như qui định chi tiết hơn về các mục đích được phép cho vay ngoại tệ, dỡ bỏ qui định về giới hạn thời gian đối với cho vay ngoại tệ (đến hết 31/12/2018) và qui định về đồng tiền trả nợ.
Cụ thể, ba mục đích được xem xét cho vay bằng ngoại tệ gồm:
(1) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
(2) Cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
(3) Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay (không giới hạn về thời gian).
Cùng với đó, theo NHNN, việc dỡ bỏ qui định về thời gian đối với cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí lãi vay, tăng khả năng cạnh tranh.
Mặt khác, chính sách cho vay đối với nhu cầu (3) nêu trên hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ và NHNN do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đô la hóa nào đối với nền kinh tế (ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng).
Bên cạnh đó, việc qui định về đồng tiền trả nợ được nới lỏng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch mua bán ngoại tệ giữa TCTD với khách hàng. Đồng thời thực hiện đúng cam kết về các nội dung truyền thông của NHNN liên quan đến Đề án hạn chế đô la hóa đó là "chuyển dần quan hệ vay-gửi ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ".
Theo đó, khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính TCTD cho vay hoặc TCTD khác không phải là TCTD cho vay. Đối với TCTD cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay tại chính TCTD đó.
Qui định này tạo thêm “quyền” cho khách hàng khi được lựa chọn TCTD để mua ngoại tệ, qua đó tạo sự thông thoáng, đa dạng cho thị trường mua/bán ngoại tệ. Tuy nhiên quy định này vẫn tiếp tục quy định trách nhiệm của TCTD đã cho vay vì khi khách hàng đề nghị mua ngoại tệ từ TCTD cho vay thì TCTD cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng.
Nếu dự thảo được thông qua, Thông tư này se có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2019.
Xem thêm |