Siết cho vay ngoại tệ, ngân hàng có nên lo?
Doanh nghiệp Việt phải làm gì khi 'hết cửa' vay ngoại tệ? | |
Tín dụng ngoại tệ tăng mạnh |
Thông tin về kế hoạch dừng cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận những phản ứng trái chiều từ ngân hàng, doanh nghiệp. Chấm dứt cho vay ngoại tệ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hoá nền kinh tế của NHNN. Trong đó, bước đầu đã được thực hiện khi đưa lãi suất huy động USD về 0%.
Cho vay ngoại tệ là một biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp giảm chi phí vốn do lãi suất thấp, đồng thời tránh được một phần rủi ro tỷ giá so với việc chuyển thành phương thức mua bán ngoại tệ.
Theo thống kê của NHNN trong tuần cuối cùng của tháng 9, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 4,7%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5 - 6%/năm. Con số này thấp hơn khá nhiều so với lãi suất phổ biến của VND, lãi suất cho vay ngắn hạn ở 6 - 9%/năm và lãi suất cho vay trung dài hạn là 9 - 11%/năm.
Điều gì sẽ xảy ra khi siết cho vay ngoại tệ
Khi xét chung trong nền kinh tế, không cho vay USD sẽ giúp cho mục tiêu chống đô la hoá được hoàn thiện hơn. Ngân hàng sẽ không huy động USD và cũng không cho vay USD nữa. Tất cả giao dịch liên quan sẽ phải quy đổi sang VND, góp phần tăng giá trị và vị thế của đồng nội tệ. Nhưng quyết sách này sẽ ảnh hưởng nhất định đến doanh nghiệp và ngân hàng.
Nhìn một cách trực tiếp, ngân hàng sẽ mất khoản thu lãi từ cho vay ngoại tệ. Hiện nay, ngân hàng đang nhận gửi USD với lãi suất 0% và nếu không cho vay ra thì sẽ có một phần nguồn lực bị lãng phí.
Dư nợ cho vay ngoại tệ tại một số ngân hàng (Nguồn: DB tổng hợp từ BCTC các ngân hàng) |
Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng trong tổng dư nợ là rất thấp. Có thể kể đến như tại thời điểm 30/6, tỷ lệ cho vay ngoại tệ của ACB chỉ chiếm 4,6% tổng cho vay khách hàng; tại VietBank là 2,6%; tại HDBank là 8%; tại Eximbank là 12,25%
Đồng thời khi các doanh nghiệp không vay được USD thì sẽ quay sang vay VND, ngân hàng vẫn có thể thu được lãi vay và còn có thể lãi cao hơn. Hơn nữa, việc chuyển giao dịch thành mua - bán USD sẽ tăng doanh số kinh doanh ngoại hối của ngân hàng.
Ngược lại, doanh nghiệp sẽ mất đi một nguồn cung vốn rẻ (một cách tương đối khi so với VND). Thông thường, các doanh nghiệp được vay USD thường có đủ nguồn USD để thanh toán, không vay ngoại tệ, doanh nghiệp phải thêm một bước trung gian về mua - bán ngoại tệ, sinh thêm chi phí chênh lệch và tăng rủi ro biến động tỷ giá.
Ngoài ra, một số trường hợp doanh nghiệp thực hiện vay bằng USD, sau đó bán USD cho ngân hàng, lấy tiền đồng để kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm hưởng chênh lệch, khi nào đối tác xuất khẩu thanh toán thì doanh nghiệp lại lấy nguồn USD này trả nợ ngân hàng.
Đây không phải là vấn đề mới, vốn được nhắc không ít lần trong các cuộc họp của Quốc hội hay NHNN. Quá khứ cho thấy, NHNN đã hai lần ngừng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở lại để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo nội dung dự thảo mới, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay ngoại tệ đối với một số nhu cầu nhất định của khách hàng có hoạt động xuất khẩu đến hết 31/12/2018.
Các doanh nghiệp xuất khẩu từng đồng loạt kiến nghị NHNN tiếp tục duy trì chính sách này. Trong cuộc trả lời chất vấn trước các cử tri về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: "NHNN vẫn kiên trì định hướng hạn chế vay ngoại tệ, việc chuyển đổi phải được thực hiện theo từng bước và phải có lộ trình phù hợp, đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp. Ít nhất trong năm 2018 sẽ tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ".
Việc tiếp tục hay dừng lại vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp ở thời điểm hiện tại.
Ngân hàng và doanh nghiệp nói gì?
Nói về việc chấm dứt cho vay ngoại tệ, TS Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank, cho biết ông ủng hộ chủ trương này của NHNN. Ông cho rằng đây là chủ trương cần thiết để có thể thực hiện chính sách chống đô la hoá nền kinh tế, chỉ sử dụng VND trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, việc dừng cho vay ngoại tệ cần phải có lộ trình nhất định không nên ra quyết định một cách bất ngờ, tránh cú sốc cho nền kinh tế.
Theo ông, các ngân hàng sẽ ít chịu ảnh hưởng từ chính sách này do tỷ lệ cho vay ngoại tệ của ngân hàng không quá lớn. Đồng thời, ngân hàng cho vay ra đều dựa trên cơ sở chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra không phụ thuộc nhiều vào loại tiền tệ.
"Các doanh nghiệp và chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu được lợi khá nhiều từ việc vay bằng đồng USD do lãi suất thấp. Tuy nhiên họ sẽ phải đối mặt với rủi ro về tỷ giá, khi có biến động tỷ giá họ sẽ chịu ảnh hưởng nhất định", ông nói.
Theo lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thương mại khác, do NHNN đã tuyên bố sẽ không để tỷ giá biến động quá 3% trong năm nay, có nghĩa là vay bằng USD sẽ không bị rủi ro. Lãi suất cho vay USD lại ở mức thấp, do đó các doanh nghiệp càng "ưa thích" USD hơn vay bằng VND.
Trao đổi với Giám đốc của một công ty chuyên xuất khẩu may mặc, ông cho rằng trên thực tế việc ngân hàng chấm dứt cho vay ngoại tệ sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến công ty do nhu cầu về vay USD của công ty không quá lớn. Tuy nhiên đối với những doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ.
Như vậy, ảnh hưởng là không thể tránh khỏi khi một chính sách thay đổi, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng lại phụ thuộc vào sự phụ thuộc của đối tượng có liên quan.
Nếu sớm muộn phải thực thi thì các doanh nghiệp cần có chính sách đối ứng. Việc thực hiện các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai sẽ là một giải pháp để giúp doanh nghiệp hạn chế được ảnh hưởng từ sự biến động mạnh của tỷ giá.