|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Áp lực đầu vào kéo lợi nhuận quý II PV Power sụt giảm 70%, EVN nợ gần 15.000 tỷ đồng tiền mua điện

09:58 | 28/07/2023
Chia sẻ
Cuối tháng 6, PV Power ghi nhận hơn 15.000 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, tăng hơn 54% so với đầu năm, trong đó hơn 14.900 tỷ đồng là đến từ Công ty Mua bán Điện - đơn vị thuộc EVN chịu trách nhiệm quản lý, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện.

Tại cuối tháng 6, các khoản phải thu ngắn hạn của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) là 17.835 tỷ đồng, tăng gần 5.300 tỷ so với đầu năm và chiếm 29% tổng tài sản.

Trong đó, hơn 15.016 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Theo thuyết minh, hơn 14.900 tỷ đồng là đến từ Công ty Mua bán Điện. Công ty này là đơn vị trực thuộc và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ủy quyền thực hiện quản lý, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư các dự án nhà máy điện có công suất trên 30 MW.

Trước đó, trong cuộc họp chiều 5/7, ban lãnh đạo PV Power cho biết khó khăn mà tổng công ty đang đối mặt là tình hình thu hồi công nợ của công ty từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tính đến thời điểm báo cáo, tổng số tiền nợ đọng thời điểm đó đã xấp xỉ 13.000 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, công nợ của EVN đã tăng lên gần 2.000 tỷ.

Ngược lại, PV Power ghi nhận các khoản phải trả người bán 12.725 tỷ đồng, tăng hơn 5.400 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là các khoản từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL). Cuối kỳ, công ty dự phòng phải trả ngắn và dài hạn số tiền hơn 2.380 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II, PV Power nắm giữ 9.320 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng. Trong nửa đầu năm, khoản tiền này đem về hơn 206 tỷ đồng cho công ty, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí lãi vay là 256 tỷ trong 6 tháng 2023. Tại 30/6, công ty đi vay tổng cộng 8.062 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ so với ngày 1/1. 

Cuối kỳ, chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 2.500 tỷ, trong đó phát sinh trong kỳ là 1.580 tỷ, chủ yếu đến từ dự án Nhà máy Điện khí Nhơn Trạch 3 và 4 với giá trị ghi nhận 1.767 tỷ đồng.

Áp lực đầu vào kéo lợi nhuận PV Power sụt 70% 

Theo báo cáo tài chính quý II mới công bố, PV Power ghi nhận doanh thu thuần quý II 8.431 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Dù có thêm nguồn thu tài chính và tiết giảm chi phí song giá vốn tăng cao khiến lãi sau thuế của tổng công ty giảm 69% còn 182 tỷ. Lãi ròng giảm 70% còn 126 tỷ.

Doanh nghiệp giải trình giá vốn leo thang chủ yếu do giá nguyên liệu tăng. Quý II, các nhà máy thuỷ điện sụt giảm sản lượng do lượng nước về hồ thấp kéo doanh thu thuỷ điện giảm trong khi giá vốn không giảm tương ứng do chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn.

Bên cạnh đó, các nhà máy nhiệt điện gặp khó khi giá nhiên liệu tăng đồng thời với việc huy động, vận hành bằng nhiên liệu dầu dẫn đến phải thực hiện lên, xuống máy nhiều lần cũng làm giá vốn tăng cao.

Ngoài ra, quý II/2022 tổng công ty ghi nhận doanh thu chênh lệch tỷ giá của Hợp đồng mua bán điện Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 6 tháng cuối năm 2018 trong khi kỳ này không phát sinh dẫn tới lợi nhuận gộp PV Power giảm mạnh so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng, PV Power đạt 15.855 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 10% trong khi lợi nhuận ròng giảm 42% còn 660 tỷ đồng.

 Nguồn: HK tổng hợp từ Wichart. 

Minh Hằng

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.