Ấn Độ đề xuất tăng giá đường để bù đắp thiếu hụt dòng tiền của các nhà máy
Cụ thể, vào tháng trước, một nhóm các bộ trưởng dưới quyền của Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah đã đề xuất mức tăng giá đường này, phù hợp với đề xuất của Cơ quan Cải cách thể chế quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog).
Bên cạnh đó, CCEA cũng sẽ xem xét một đề xuất nữa là tăng mức giá thu mua đường tối thiểu (FRP) là 275 rupee/tạ lên 285 rupee/tạ cho niên vụ 2020/21 bắt đầu từ ngày 1/10.
Điều này sẽ liên quan đến tỉ lệ thu hồi cơ bản của các nhà máy đường ở mức 10%, nếu trên mức 10% nói trên, một mức phí bảo hiểm là 2,75 rupee/tạ sẽ được trả cho các nhà máy, tương ứng mỗi lần tăng 0,1 điểm %.
Trong khi việc tăng giá bán đường tối thiểu được kì vọng sẽ cải thiện dòng tiền nhà máy trong một thị trường đã tràn ngập nguồn cung, thì việc FRP mía đường tăng còn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. "Chính phủ đang cố gắng cân bằng lợi ích của các nhà máy và nông dân", một quan chức cấp cao của chính phủ chia sẻ.
Ngành đường bội thu hai năm liên tiếp khiến tình trạng dư thừa đường trong nước tại Ấn Độ vào năm ngoái nghiêm trọng hơn, dẫn đến lượng dự trữ đường đầu niên vụ 2019/2020 ước tính khoảng 14,5 triệu tấn. Do đó, mức giá bán đường tối thiểu sẽ giúp ngăn chặn việc giảm giá bán xuống dưới mức qui định và hoạt động đầu cơ tích trữ trên thị trường.
Các nhà máy đường cho biết tuy rằng giá bán đường trung bình ở các khu vực miền Tây và miền Bắc Ấn Độ đang ở mức lần lượt là 3.590 rupee/tạ và 3.649 rupee/tạ, chúng vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí mà các nhà máy phải chi trả.
Trong khi các nhà máy đường buộc phải trả chi phí mía đường cho nông dân trồng mía ít nhất là ở mức FRP thì các bang như Uttar Pradesh lại ấn định một mức giá chuẩn cao hơn nhiều, được gọi là giá tham khảo của bang (SAP) cho nguồn cung cấp mía trong lãnh thổ của họ. Kết quả là Uttar Pradesh đã trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ mía trong nhiều thập kỉ cho đến nay.
Tuy vậy, trong thập kỉ qua, chính phủ Liên minh cũng đã bắt đầu tăng giá FRP với tốc độ không hợp lí, cùng với nguồn cung mía dư thừa trên thị trường đã cản trở đến giá bán. Điều này tạo ra một cuộc khủng hoảng ở các khu vực sản xuất đường lớn như Maharashtra và Karnataka khi họ hầu như tuân theo cơ cấu tỉ giá cũ của chính phủ ban hành.
Cụ thể, FRP đã tăng vọt từ 145 rupee/tạ trong niên vụ 2011/2012 lên 275 rupee/tạ trong niên vụ 2018/2019, bất chấp sự hạn chế thường xuyên của chính phủ trong giai đoạn này.
Vào tháng 7 năm ngoái, chính phủ đã hạn chế việc tăng FRP cho niên vụ 2019/2020 tại mức hiện thời là 275 rupee/tạ để giảm chi phí mua mía cho các nhà máy đường. Tuy nhiên, các chuyên gia sau đó đã chỉ ra rằng nếu áp dụng công thức cố định giá mía ở mức 75% doanh thu bán đường của Ban hội thẩm Rangarajan, thì FRP hiệu quả (dựa trên tỉ lệ thu hồi) sẽ cao hơn hiện tại khoảng 42 rupee/tạ.
Ngay cả khi công bố FRP của mía là 275 rupee/tạ cho niên vụ 2018/2019, Bộ trưởng Lương thực Ram Vilas Paswan sau đó cũng đã thừa nhận rằng nó cao hơn 77,4% so với chi phí mía trên thị trường.
Như các chuyên gia đã chỉ ra nhiều lần, không có biện pháp tạm thời nào có thể ngăn chặn tình trạng nợ mía lớn tái diễn hàng năm trừ khi Chính phủ Liên minh và các bang ngừng ấn định giá mía quá cao, mặc dù họ đã hỗ trợ một phẩn tổn thất tạm thời cho các nhà máy đường.
Vào tháng 4, tổ chức NITI Aayog đã khuyến nghị về việc tăng giá đường tối thiểu lên 33 rupee/kg (từ 31 rupee/kg) để giảm gánh nặng chi phí cho các nhà máy. Bên cạnh đó, giới hạn việc sử dụng đất của nông dân để trồng mía ở mức 85% tổng số đất họ nắm giữ, đưa ra mức thuế 50 rupee/tạ (không bao gồm hàng xuất khẩu) và khuyến khích tiền mặt 6.000 rupee/ha khi nông dân chuyển sang trồng cây khác thay thế mía.