|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ấn Độ đẩy mạnh thu hút FDI để bù đắp nguồn ngoại hối sụt giảm

10:42 | 10/05/2020
Chia sẻ
Khi dịch bệnh COVID-19 tiếp tục hoành hành, doanh thu thuế sẽ giảm, chính phủ chịu sức ép lớn gia tăng chi tiêu, khu vực tư nhân ngại chấp nhận rủi ro và sản xuất chậm phục hồi.
Ấn Độ đẩy mạnh thu hút FDI để bù đắp nguồn ngoại hối sụt giảm - Ảnh 1.

Kiểm tra thân nhiệt người lao động để phòng lây nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng Deccan Herald nhận định thế giới thời kỳ hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ rất khác. Trước bối cảnh đó, thế giới phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động giá rẻ nghiêm trọng.

Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi sẽ đón hàng loạt lao động trở về quê nhà, tạo áp lực mạnh mẽ cho lực lượng lao động trong nước.

Việc làm sẽ ít đi. Người xin việc sẽ nhiều lên. Chính phủ các nước đang phát triển sẽ phải xây dựng những chiến lược lao động mới để đón nhận số lượng khổng lồ lao động di cư.

Quan trọng nhất, họ sẽ phải học cách xoay sở trước tình trạng thiếu hụt một lượng ngoại tệ đáng kể do người lao động ở nước ngoài gửi về, vốn đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cán cân thanh toán của quốc gia.

Ấn Độ dự kiến sẽ là nước chịu tổn thất lớn nhất do xu hướng này. Cuối năm 2019, Ấn Độ nhận 83 tỷ USD kiều hối, chiếm gần 1/5 tổng dự trữ ngoại hối 457 tỷ USD của nước này.

Trên thực tế, trong nhiều năm, nguồn thu kiều hối của Ấn Độ thường cao gấp đôi mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây ước tính lượng kiều hối của Ấn Độ sẽ bị giảm 22% trong năm nay.

Tuy nhiên, nếu khủng hoảng kéo dài và WB điều chỉnh dự báo, 2020 có thể là năm đầu tiên trong nhiều thập kỷ lượng kiều hối sẽ thấp hơn hơn dòng FDI chảy vào Ấn Độ. Một nước có thể có quyền tự quyết về thu hút FDI, nhưng đối với kiều hối thì không. Do đó, Ấn Độ sẽ cần một cơ chế FDI tự do hơn để lấp đầy khoảng trống của nguồn kiều hối suy giảm.

Với tình trạng khẩn cấp y tế biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư đang tìm cách chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc. Ở nhiều nước, các chính phủ đã chủ động hỗ trợ ngành công nghiệp chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang những nơi khác.

Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc. Hàng trăm công ty Mỹ ở Trung Quốc có thể sẽ tìm đến Ấn Độ trong tương lai gần. Ấn Độ sẽ được trao cơ hội để đón nhận các công ty này và trở thành một trong những nước nhận FDI lớn nhất trong số các nền kinh tế mới nổi.

Chính phủ Ấn Độ đã nắm bắt được vấn đề và một trong những chủ đề chính tại các cuộc họp về tái thiết kinh tế hậu COVID-19 do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì là làm thế nào để thúc đẩy đầu tư.

Việc tập trung tái định hình các chiến lược đầu tư diễn ra sau khi Ấn Độ thông báo thay đổi quy định về FDI, yêu cầu tất cả đầu tư từ bất kỳ quốc gia nào có chung đường biên giới với Ấn Độ đều phải được chính phủ trung ương chấp thuận.

Do Pakistan và Bangladesh vốn đã nằm trong phạm vi hạn chế của một quy định trước đó, nên động thái trên là nhắm vào Trung Quốc, đối tác thương mại chủ chốt của Ấn Độ.

Một ước tính cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ đã tăng gần gấp 6 lần lên 8 tỷ USD trong ba năm từ 2014-2017. Tất nhiên, chặn dòng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến FDI của Ấn Độ trong ngắn hạn và trung hạn.

Các công ty khởi nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với những doanh nghiệp này ở Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ đa dạng hóa thông qua việc nới lỏng hơn nữa các quy định về FDI, nước này có thể thu hút một lượng lớn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia khác trên thế giới vốn trước đó đổ vào Trung Quốc.

Trung Quốc đã thu hút 140 tỷ USD FDI năm 2019, so với 49 tỷ USD của Ấn Độ. Nhưng dòng FDI của Trung Quốc tăng trưởng không đáng kể trong năm 2019, chỉ tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2018. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã gặp trở ngại lớn vì cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng này. Nếu thành công, Ấn Độ có thể "chuyển bại thành thắng".

Trong khi quy định mới về FDI với các nước láng giềng có thể bảo vệ lợi ích của Ấn Độ, việc dỡ bỏ thêm những hạn chế về lĩnh vực và nới lỏng các quy định có thể mang lại cho Ấn Độ thêm nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Gidel đã tương tác với các phái bộ Ấn Độ ở nước ngoài và đề nghị họ nỗ lực quảng bá Ấn Độ như một điểm đến ưa thích để đầu tư thời hậu COVID-19.

Hiện Ấn Độ đang hy vọng đón một dòng chảy FDI lớn vào lĩnh vực sản xuất. New Delhi đang tìm cách nới lỏng các quy định hơn nữa để đảm bảo Ấn Độ không thua Việt Nam và Bangladesh.

Cựu Phó Chủ tịch Cơ quan cải cách quốc gia Ấn Độ (NITI Aayog) gần đây cho biết, các công ty toàn cầu sẽ tìm đến những quốc gia châu Á nhỏ hơn để triển khai hoạt động sản xuất giá rẻ. Do đó, Ấn Độ cần thiết lập các đặc khu kinh tế lớn hơn để thu hút các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp./.

Huy Lê