Ấn Độ đang lôi kéo hơn 1.000 công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc
Nguồn tin riêng của Bloomberg cho biết trong tháng 4 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã chủ động liên lạc với hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ và mời chào nhiều ưu đãi để các công ty này chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến với Ấn Độ.
Theo một số quan chức giấu tên trong chính phủ Ấn Độ, nước này đang ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, giày da và phụ tùng ô tô cùng với khoảng 550 sản phẩm khác.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đổ lỗi và chỉ trích Trung Quốc về cách xử lí đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp lo ngại và đẩy nhanh quá trình chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Nhật Bản đã dành ra 2,2 tỉ USD để giúp các nhà máy chuyển ra khỏi Trung Quốc. Các nước thành viên EU cũng cắt giảm sự phụ thuộc vào nhà cung ứng Trung Quốc.
Về phần Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi mong muốn đẩy mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài để tạo động lực hồi sinh nền kinh tế sau 8 tuần phong tỏa chống dịch, đồng thời giúp nền kinh tế đạt mục tiêu nâng qui mô khu vực sản xuất từ 15% lên 25% GDP vào năm 2022.
Nhu cầu tạo công ăn việc làm hiện nay càng thêm cấp thiết khi dịch COVID-19 đã khiến cho 122 triệu người thất nghiệp và buộc Ấn Độ đóng cửa tất cả các thành phố lớn.
Những khó khăn kinh tế mà COVID-19 gây ra có thể thúc đẩy Ấn Độ hoàn thành các chương trình cải cách đất đai, lao động và chính sách thuế bị bế tắc từ lâu và là những nguyên nhân chính ngáng chân nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều năm qua.
Nhiệm kì Thủ tướng thứ 2 của ông Modi không mấy yên bình với đầy rẫy các cuộc biểu tình qui mô lớn và tăng trưởng đình trệ, khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy ngần ngại khi lập kế hoạch chuyển đến.
Ông Paul Staniland, Phó Giáo sư Đại học Chicago chuyên nghiên cứu về Ấn Độ nhận định: "Ấn Độ có thể nắm bắt nhiều cơ hội để giành lấy chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng để làm được điều này đòi hỏi đầu tư nghiêm túc vào hệ thống quản trị và cơ sở hạ tầng. Ấn Độ đối diện với sự cạnh tranh rất lớn từ các nước khác ở châu Á và Đông Nam Á".
Các quan chức chính phủ đã nói với hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ rằng chi phí làm ăn ở Ấn Độ cao hơn Trung Quốc nhưng Ấn Độ lại tạo điều kiện thuận lợi hơn so với Mỹ và Nhật Bản trong việc cấp đất và lao động lành nghề.
Quan chức Ấn Độ cũng cam kết rằng nước này sẽ xem xét những đề xuất cụ thể của các doanh nghiệp về việc sửa đổi luật lao động – vốn là chướng ngại vật lớn nhất đối với các công ty nước ngoài. Chính phủ Ấn Độ cũng đang xem xét đề nghị của các công ty thương mại điện tử về việc hoãn áp thuế với giao dịch kĩ thuật số trong năm nay.
Một quan chức giấu tên cho biết Bộ Thương mại Ấn Độ đã đề nghị doanh nghiệp Mỹ phản hồi chi tiết về những thay đổi cần thiết đối với pháp luật về thuế và lao động để nước này có thể tạo điều kiện thu hút công ty nước ngoài tốt hơn.
Chính phủ của ông Modi đang làm việc với các bang để đưa ra các giải pháp dài hạn, bao gồm cả việc phát triển các ngân hàng đất đai để giúp các nhà máy nhanh chóng được xây dựng.
Ấn Độ mong muốn lôi kéo được những công ty sản xuất thuốc và thiết bị y tế như Medtronic và Abbott Laboratories chuyển sản xuất đến, một quan chức Ấn Độ nói. Cả Medtronic và Abbott Laboratories đều đã hiện diện tại Ấn Độ và do vậy việc chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc tới sẽ dễ dàng hơn.
Ấn Độ, Việt Nam … cạnh tranh đón doanh nghiệp rời Trung Quốc
Theo Bloomberg, việc chính phủ của Thủ tướng Modi tăng cường mời gọi doanh nghiệp Mỹ sẽ giúp Ấn Độ cạnh tranh tốt hơn với Việt Nam trong vai trò điểm đến thay thế Trung Quốc kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra.
Để thu hút đầu tư từ công ty Mỹ và cải thiện quan hệ với Washington, ông Modi đã cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, hai lần xuất hiện cùng Tổng thống Trump trước đám đông hàng nghìn người tại thành phố Houston (Mỹ) và Ấn Độ, đồng thời kí kết thỏa thuận quốc phòng trị giá 3 tỉ USD.
Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đang làm việc cùng Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để "tái cấu trúc các chuỗi cung ứng" và thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Một quan chức cho biết Mỹ đang thúc đẩy thành lập một "Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế" gồm các đối tác tin cậy.
Ông Derek Grossman – Nhà nghiên cứu tại tổ chức RAND Corporation nhận định: "Nếu được hình thành, mạng lưới này sẽ dựa vào Ấn Độ và Việt Nam để thay thế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
"Muốn soán ngôi năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc là không hề dễ nhưng có lẽ Mỹ đang hi vọng rằng Ấn Độ và Việt Nam có thể nhanh chóng mở rộng để ít nhất sánh ngang với Trung Quốc".
Tháng 4 vừa qua, Ấn Độ đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu đối với thuốc hydroxychloroquine và paracetamol sau khi được Tổng thống Trump đề nghị. Quốc gia Nam Á này cũng chi 130 tỉ rupee (tương đương 1,7 tỉ USD) để đầu tư sản xuất hàng loạt thuốc và thiết bị y tế, đồng thời thúc đẩy sản xuất các thành phần hoạt chất dược phẩm, qua đó giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Ấn Độ là thị trường lớn hơn Việt Nam và Campuchia và do vậy sẽ có sức hút lớn hơn đối với nhà đầu tư muốn rời khỏi Trung Quốc", ông Ajay Sahai, Tổng Giám đốc Liên đoàn Xuất khẩu Ấn Độ nhận xét. "Tuy nhiên ngoài đảm bảo tiếp cận đất đai, nước sạch và đường thoát nước thải, thay đổi lớn nhất mà Ấn Độ cần thực hiện là cam kết không hồi tố các sửa đổi qui định thuế".