|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Adidas, Nike, Under Armour gặp khó khi các nhà máy ở Việt Nam đóng cửa

03:21 | 15/09/2021
Chia sẻ
Riêng với Nike, các hoạt động trong khu vực gần như đóng bằng trong hai tháng qua, kể từ khi hai nhà cung cấp giày tại Việt Nam ngừng sản xuất.

Các thương hiệu giày dép hàng đầu thế giới vẫn đang gặp khó từ việc những nhà máy ngừng hoạt động tại Việt Nam, theo Footwear News.

Kể từ tháng 7, các nhà máy tại Việt Nam, nơi cung cấp giày dép lớn thứ hai cho Mỹ sau Trung Quốc, đã phải ngừng hoạt động do các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19. Việc đóng cửa đã diễn ra trong 9 tuần là vấn đề đối với các thương hiệu giày thể thao và quần áo phụ thuộc vào hoạt động cung ứng trong khu vực.

Thời điểm mùa mua sắm nghỉ lễ sắp đến, các nhà phân tích tin rằng những thương hiệu thể thao có thể gặp khó hơn các thương hiệu thời trang. Theo ghi nhận gần đây từ nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG, Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor's Hoka là những công ty có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc ngừng hoạt động tại Việt Nam.

"Tình hình có nhiều thay đổi, chúng tôi cho rằng ngành sản xuất giày thể thao có thể đối mặt nguy cơ bị hủy đơn hàng giai đoạn đầu năm 2022", Camilo Lyon cho biết.   

Mặc dù cả ngành sản xuất giày thể thao và quần áo đều bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hoạt động, nhưng sự phức tạp khiến các sản phẩm của ngành này gặp nhiều khó khăn hơn ngành may mặc. Tác động đang được cảm nhận rõ tại những tỉnh phía Nam, nơi có nhiều các cơ sở sản xuất cho các công ty giày dép và may mặc.

Adidas, Nike, Under Armour gặp khó khi các nhà máy ở Việt Nam đóng cửa - Ảnh 1.

Nike là một trong những hãng thời trang thể thao chịu ảnh hưởng khi các nhà máy tại Việt Nam đóng cửa. (Ảnh: CNBC).

Trong hai tháng qua, các hoạt động sản xuất của Nike trong khu vực gần như đóng băng. Trước năm 2020, Việt Nam chiếm 51% sản lượng giày dép và 30% sản phẩm may mặc của Nike. Do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng gần đây, BTIG đã hạ mức xếp hạng của hãng thời trang thể thao hàng đầu thế giới này.

"Mặc dù Nike có kinh nghiệm xử lý những gián đoạn, nhưng chúng tôi cho rằng vấn đề hiện nay quá lớn để kiểm soát, ngay cả đối với thương hiệu thể thao hàng đầu thế giới. Do đó, chúng tôi hạ mức xếp hạng của Nike xuống mức trung lập", Camilo Lyon nói thêm.

Giá cổ phiếu Nike đã giảm 1,3% sau khi bị BTIG hạ cấp. Giá cổ phiếu Adidas và Under Armour cũng giảm trong ngày thứ Hai.

Mặt khác, các thương hiệu thời trang nhìn chung ít bị ảnh hưởng bởi việc ngừng hoạt động. Steve Madden, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Edward Rosenfeld cho biết công ty đã chuyển gần một nửa sản lượng từ Trung Quốc sang Mexico và Brazil nhằm giảm bớt các công việc tồn đọng.

Các công ty thể thao cũng cố gắng giảm thiểu tác động. Adidas đang phân bổ lại sản xuất và tìm nguồn cung ứng cho các khu vực khác. Các nhà máy ở Việt Nam dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 15/9. Do đó, các nhà phân tích dự đoán rằng hoạt động có thể sẽ trở lại mức sản xuất bình thường theo thời gian.

"Khi các nhà máy mở cửa trở lại, chúng tôi kỳ vọng sẽ dần dần xây dựng trở lại công suất sản xuất tối đa đạt 50% vào cuối năm. Sau đó sẽ phục hồi 100% trong năm 2022", chuyên gia Camilo Lyon chia sẻ.

Quốc Anh