|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương

13:48 | 28/04/2021
Chia sẻ
Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á công bố ngày 28/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định sự phục hồi kinh tế của các quốc gia đang phát triển châu Á có thể mạnh hơn những gì đã dự báo trước đây, được củng cố bởi kỳ vọng về sự phục hồi vững chắc trên toàn cầu và tiến triển trong chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, ADB cũng cảnh báo rủi ro đối với dự báo của mình nghiêng về hướng phía tiêu cực do các đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới và sự chậm trễ trong việc triển khai chương trình tiêm chủng vaccine có thể kéo dài sự gián đoạn trong đi lại cũng như đối với hoạt động kinh tế khu vực.

Theo ADB, nhóm các nước phát triển châu Á, gồm 45 quốc gia tại châu Á- Thái Bình Dương, sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3% trong năm 2021, cao hơn so với chính dự báo của ngân hàng này trước đó là 6,8%, trong khi tăng trưởng năm 2022 sẽ ở mức 5,3%.

Nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB cho rằng tăng trưởng đang đạt được động lực ở các nước đang phát triển, tuy nhiên các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới cho thấy đại dịch vẫn là một mối đe dọa.

Cùng với đó, ông Yasuyuki cũng chỉ ra căng thẳng địa chính trị, bất ổn chính trị, tắc nghẽn sản xuất, bất ổn tài chính và ảnh hưởng lâu dài từ những tác động xấu của việc trường học buộc phải đóng cửa do đại dịch cũng đe dọa sự phục hồi.

Theo thống kê của hãng tin Reuters, các quốc gia châu Á chiếm hơn 16% tổng số ca mắc COVID-19 toàn cầu với 147,9 triệu ca mắc COVID-19. Với hơn 319.000 người chết, khu vực này chiếm 9,8% tổng số ca tử vong vì dịch bệnh trên toàn cầu.

ADB nhận định khi một số nền kinh tế tiếp tục cuộc chiến ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây ra dịch COVID-19 và các biến thể mới, sự phục hồi sẽ không đồng đều.

ADB, có trụ sở tại Manila, Philippines, dự báo kinh tế Trung Quốc phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra cao nhất trong năm 2021, với mức tăng trưởng đạt 8,1% do nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng mạnh, trước khi giảm xuống mức 5,5% vào năm 2022.

Trên bình diện khu vực, Nam Á sẽ ghi nhận sự phục hồi kinh tế nhanh nhất trong năm nay, khi ADB dự đoán tỷ lệ tăng trưởng tới 9,5% sau khi giảm 6% vào năm 2020, được thúc đẩy bởi sự hồi sinh kinh tế của Ấn Độ. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng y tế ở Ấn Độ vẫn còn tồi tệ, nhà kinh tế Sawada cho rằng quốc gia Nam Á này có thể vẫn đạt được mức dự báo tăng trưởng 11% của ADB sau khi sụt giảm 8% vào năm 2020.

Ngoài ra, ADB nhận định GDP của Malaysia sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021 và ổn định ở mức 5,7% trong năm 2022 sau khi các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến nền kinh tế Đông Nam Á tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

ADB dự báo nền kinh tế Malaysia sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021 với động lực từ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, môi trường kinh doanh ổn định hơn và các chính sách thích ứng.

ADB cũng chỉ ra, cùng với sự phục hồi tăng trưởng, Malaysia sẽ phải đối mặt với lạm phát sẽ tăng trở lại và thặng dư tài khoản vãng lai bị thu hẹp, chủ yếu là do tăng cường nhập khẩu.

Mạnh Tuân

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.