|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Việt Nam lọt top 11 nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất trước COVID-19, bất ngờ với vị trí đầu bảng

15:11 | 27/04/2021
Chia sẻ
Việt Nam tăng 4 bậc lên thứ 11 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế phục hồi tốt nhất sau COVID-19. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 6,5% và được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3%.

Bloomberg vừa công bố bảng xếp hạng theo tháng, đánh giá khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế, từ mức tốt nhất cho tới tồi tệ nhất.

Bảng xếp hạng dựa trên 10 tiêu chí để tìm ra những nền kinh tế đang ứng phó hiệu quả nhất với dịch bệnh, với ít gián đoạn về kinh tế và xã hội nhất. Các dữ liệu này gồm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ xét nghiệm, khả năng tiếp cận vắc xin, khả năng tự do di chuyển, dự báo tăng trưởng kinh tế….

Việt Nam tăng 4 bậc lên thứ 11 trên tổng số 53 nền kinh tế được khảo sát. Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% và được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3%.

Bloomberg nhận định, bài học rút ra trong tháng 4 là chỉ tiêm vắc xin COVID-19 thôi vẫn chưa đủ để ứng phó với đại dịch, mà còn cần áp dụng các biện pháp phòng dịch đúng hướng, đồng thời thực thi nghiêm ngặt các biện pháp.

Bloomberg: Việt Nam lọt top 11 nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất trước COVID-19, bất ngờ với vị trí đầu bảng - Ảnh 1.

Hội An, Quảng Nam một ngày cuối tháng 4. (Ảnh: Linh Pham/Getty Images).

Bloomberg: Việt Nam lọt top 11 nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất trước COVID-19, bất ngờ với vị trí đầu bảng - Ảnh 2.

Biểu đồ thay đổi thứ hạng theo tháng về khả năng chống chịu trước COVID-19 dựa trên đánh giá của Bloomberg. (Ảnh: Bloomberg).

Đứng đầu bảng xếp hạng là Singapore. Bloomberg đánh giá nhờ khả năng phòng chống dịch kết hợp với tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 nhanh nhất châu Á, Singapore vượt New Zealand để trở thành nơi tốt nhất giữa kỷ nguyên đại dịch.

Singapore đã giảm số ca lây nhiễm COVID-19 xuống gần bằng 0 nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt, đặc biệt ở biên giới. Người dân hiện đã gần như có thể trở về cuộc sống bình thường, tham gia các buổi hòa nhạc và đi du lịch ven biển.

1/5 dân số Singapore đã được tiêm vắc xin, trong khi đó tình hình tiêm chủng tại New Zealand, Australia – hai nền kinh tế lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3 trong bảng xếp hạng - đang bị chậm lại.

Xếp thứ 4 là Israel – nước có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao nhất thế giới – 57,4% theo dữ liệu của Bloomberg.

Bloomberg: Việt Nam lọt top 11 nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất trước COVID-19, bất ngờ với vị trí đầu bảng - Ảnh 3.

Danh sách 20 nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất trước COVID-19 theo đánh giá của Bloomberg. (Nguồn: Bloomberg/ Việt hóa: Anh Đào).

Trong khi đó, Trung Quốc tụt 5 bậc, tuột khỏi top 10. Mỹ tăng 4 bậc lên vị trí thứ 17. Đến ngày 25/4, khoảng 43% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 và 29% được tiêm đầy đủ, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Anh tăng 7 bậc lên vị trí thứ 18 khi kết hợp biện pháp kiểm soát biên giới nghiệm ngặt cộng với các chương trình tiêm chủng khẩn trương. Nước này mới đây cấm khách nhập cảnh từ Ấn Độ để ngăn chặn biến chủng virus mới từ quốc gia Nam Á.

Xếp hạng của các nền kinh tế như Pháp, Chile tụt giảm trong tháng này do sự bùng phát của các ca nhiễm biến thể mới, thiếu hụt vaccine cũng như những nỗ lực phòng chống dịch chưa mang lại hiệu quả.

Quốc gia đang phải vật lộn với "sóng thần COVID-19" với số ca nhiễm một ngày liên tiếp phá kỷ lục (hơn 300.000 ca) tụt 10 bậc trên bảng xếp hạng và đứng thứ 30. Cách đây hơn hai tuần, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ tăng trưởng khoảng 12,5% trong năm nay, mức cao nhất trong những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Song, giờ đây, khi số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ tăng với tốc độ chóng mặt, triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này gặp thách thức lớn. Chuyên gia Hu Zhiyong, người đã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ hơn một năm qua đánh giá nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục tồi tệ, kinh tế Ấn Độ quay trở lại quy mô như 20 năm về trước.

Đứng cuối bảng xếp hạng là Ba Lan và Brazil. Tháng trước, vị trí cuối bảng thuộc về Mexico.

Anh Đào

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường