|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023

10:25 | 22/04/2021
Chia sẻ
CIEM nhận định nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn.

Sáng 22/4, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch COVID-19: Đề xuất cho Việt Nam".

Theo báo cáo, triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 được đánh giá dựa trên ba kịch bản gồm kịch bản bình thường; kịch bản trong bối cảnh nới lỏng tài khóa và tiền tệ; kịch bản nếu có biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế.

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 - Ảnh 1.

(Nguồn: CIEM. Đồ họa: Alex Chu).

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 - Ảnh 1.

Dự báo kinh tế vĩ mô theo một số kịch bản, giai đoạn 2021-2023. (Nguồn: CIEM).

CIEM nhận định nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn.

Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm cải thiện đáng kể về năng suất.

Khi ấy, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế an toàn, Việt Nam cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro "cạn kiệt" không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.

Dưới góc nhìn của CIEM, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh đánh giá nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết, và/ hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế.

Bà Minh cho biết báo cáo của CIEM cũng đề xuất định hướng và lộ trình chính sách cho giai đoan 2021-2023. Theo đó, năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp cải cách thể chế kinh tế.

Năm 2022, CIEM khuyến nghị nên kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế. Đến năm 2023, Việt Nam có thể rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.

Anh Đào

Thủ tướng giao nhiệm vụ vận động Mỹ sớm công nhận kinh tế thị trường của Việt Nam cho ngành ngoại giao
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài vận động Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm hạn chế xuất khẩu về công nghệ và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường