|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hà Nội tập trung xây dựng đường vành đai 4, tạo đà cho phát triển kinh tế

23:45 | 20/04/2021
Chia sẻ
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô và cho rằng cần xác định việc xây dựng tuyến đường này là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành, tạo đà cho phát triển kinh tế.

Chiều 20/4, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của TP.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 8.300-8.500 USD

Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của TP Hà Nội lấy ý kiến qua 4 vòng, gắn với 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII).

Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đến năm 2025, Thủ đô sẽ được xây dựng, phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh,TP thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa và GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Trong dự thảo cũng đặt ra mục tiêu: tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8,0%...

Hà Nội tập trung xây dựng đường vành đai 4, tạo đà cho phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: CTV).

Để đạt được các mục tiêu trên, TP Hà Nội đặt ra 3 khâu đột phá, trong đó TP ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô.

Cùng đó là tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số…

Dự thảo kế hoạch cũng nêu rõ một số cân đối lớn cần đảm bảo. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1.405 nghìn tỷ; dự kiến tổng chi ngân sách địa phương khoảng 613,7 nghìn tỷ đồng.

TP sẽ từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, phấn đấu đến năm 2025 ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách địa phương; tập trung nguồn lực, bố trí cho chi đầu tư phát triển từ NSNN ở mức hợp lý; phấn đấu để ổn định khoảng 45-48% tổng chi vào năm 2030…

Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới

Đóng góp ý kiến vào dự thảo, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết theo dự thảo kế hoạch, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành công thương Hà Nội rất lớn, trong đó Sở Công Thương sẽ phối hợp tập trung phát triển thêm 2-3 khu công nghiệp mới; hoàn thành, khởi công trong giai đoạn này 43 cụm công nghiệp; phát triển mới, xây dựng mới, thành lập mới thêm 46 cụm công nghiệp nữa để đạt trên địa bàn TP đủ 159 cụm công nghiệp theo kế hoạch đã được phê duyệt. 

"Nếu lấp đầy 43 cụm công nghiệp, thành lập mới 46 cụm công nghiệp, Hà Nội sẽ có gần 100 cụm công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2025, sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn", bà Phương Lan thông tin.

Hà Nội tập trung xây dựng đường vành đai 4, tạo đà cho phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. (Ảnh: CTV).

Ngoài ra, TP sẽ phát triển mô hình kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, phát triển hệ thống máy bán hàng tự động… và ngành công thương sẽ tập trung chỉ đạo những lĩnh vực phụ trách để phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Tại hội nghị, đại diện Sở Du lịch cho biết chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 là đạt 35 triệu khách du lịch với tổng doanh thu hơn 150.000 tỷ đồng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Tập trung xây dựng tuyến đường vành đai 4

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết TP có hai quy hoạch quan trọng là: quy hoạch TP thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050; và điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong thời kỳ 5 năm, hai quy hoạch phải hoàn thành; phấn đấu cuối năm 2022, hoặc muộn nhất là đến đầu năm 2023 phải phê duyệt hai quy hoạch này.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn yêu cầu rà soát nội dung phát triển vành đai 4 liên vùng Thủ đô, đi qua Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh; củng cố đầu tư mạnh về đường sắt đô thị; tìm kiếm nguồn lực đầu tư của nước ngoài và hệ thống các vùng phát triển…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cũng yêu cầu cần xác định việc xây dựng tuyến đường vành đai 4 là quan trọng để kết nối với các tỉnh thành. Theo ông Đông, tuyến đường này mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn so với các tuyến đường trong nội thành vốn rất tốn kém trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đường vành đai 4, vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết ngày 29/7/2011.

Theo quy hoạch, đường đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố.

Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng chiều dài khoảng 98 km (qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km).

Anh Đào