Acecook Việt Nam đang kiếm bao nhiêu tiền mỗi năm từ việc bán mì Hảo Hảo, Lẩu Thái,… ?
Thành lập từ ngày 15/12/1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995 với 100% vốn Nhật Bản, đến nay, CTCP Acecook Việt Nam đã trở thành đại gia đầu ngành FMCG tại Việt Nam với thị phần ở mức khoảng 50%.
Với sự thành công của thương hiệu mì Hảo Hảo, thường được gọi là gói mì quốc dân bởi giá thành rẻ, hợp khẩu vị người Việt, đã giúp Acecook Việt Nam dễ dàng soán ngôi các ông hoàng như Vifon hay Miliket.
Vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Acecook đã thành công đưa gói mì Hảo Hảo đến hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Những năm gần đây, Acecook Việt Nam đã mở rộng danh mục sản phẩm của mình ngoài Hảo Hảo, có thể kể đến như mì Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ, Mikochi hay miến Phú Hương... phủ sóng các phân khúc từ mì gói, phở, hủ tiếu, bún tới miến, muối chấm, snack,… Những danh mục sản phẩm này đã mang về nguồn lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp hàng năm.
Theo số liệu chúng tôi có được, kết thúc năm 2019, doanh thu Acecook Việt Nam đạt 10.648 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 1.660 tỷ đồng. Xét về cả doanh thu và lợi nhuận, Acecook đang đứng thứ hai thị trường, chỉ sau một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa và tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, đang trên đà phát triển, mới đây, Acecook đã vướng phải một sự cố ảnh hưởng tới thương hiệu khi 20/8, trang chủ Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã đưa ra thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền do có chứa chất Ethylene Oxide, một chất có trong thành phần thuốc trừ sâu.
Trong số những dòng sản phẩm bị FSAI thu hồi, có hai sản phẩm do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g – hạn sử dụng tới ngày 24/9/2022) và miến Good hương vị sườn heo (loại 56g – hạn sử dụng tới ngày 10/11/2022).
"Một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide, một chất có trong thành phần thuốc trừ sâu, không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chứa các chất gây ô nhiễm không gây nguy hiểm cấp tính đến sức khỏe, nhưng có thể ảnh hưởng nếu sử dụng trong thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này. Thông báo thu hồi sẽ được hiển thị trong các cửa hàng cung cấp các sản phẩm liên quan", thông báo từ FSAI.
Về thông tin này, trả lời Thanh Niên, đại diện Acecook Việt Nam khẳng định số sản phẩm bị thu hồi là sản phẩm xuất khẩu, không cùng lô hàng sản xuất với sản phẩm nội địa tại Việt Nam. Công ty Acecook Việt Nam không sử dụng công nghệ Ethylene Oxide ở bất kỳ công đoạn sản xuất nào.
Hiện phía Acecook Việt Nam đang tiến hành phân tích, kiểm tra và điều tra trên diện rộng ở các nguyên liệu, thiết bị, quy trình liên quan để nhận định nguyên nhân và biện pháp xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đồng thời, Acecook Việt Nam cũng làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu và họ khẳng định không sử dụng Ethylene Oxide trong quy trình sản xuất.
Thông tin này đang rất được người tiêu dùng trong nước quan tâm, bởi theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA), giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đang xếp thứ ba thế giới về mức độ tiêu thụ mì gói. Hơn 7 tỷ gói mì ăn liền đã được người Việt tiêu thụ trong năm 2020, con số này tăng đáng kể so với 5,4 tỷ gói mì năm 2019.
Hiện có 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả các thương hiệu ngoại, nhóm 4 doanh nghiệp đứng đầu thị trường có tên Acecook Việt Nam. Nhóm "big 4" này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.