|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ethylene Oxide trong mì Hảo Hảo cũng xuất hiện ở kẹo cao su, ngũ cốc, kem,... cả Mỹ và Việt Nam đều không cấm

13:54 | 30/08/2021
Chia sẻ
Lô mì Hảo Hảo bị thu hồi tại châu Âu có chứa chất Ethylene Oxide (EO) đã gây ra những hoang mang cho người tiêu dùng trong nước suốt thời gian qua.

Ngày 20/8, trang chủ Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã đưa ra một thông báo có tiêu đề "Recall of Certain Batches of Instant Noodle Products due to the Presence of the Unauthorised Pesticide Ethylene Oxide", trong đó bao gồm nội dung thu hồi lô sản phẩm mì Hảo Hảo hương vị tôm chua cay và miến Good hương vị sườn heo của Acecook Việt Nam.

Ngay sau đó, nhiều trang báo cũng như các kênh thông tin truyền thông khác nhau có đăng tải những bài viết về vụ thu hồi này. Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu như không có những thông tin đa chiều về chất cấm mà FSAI đưa ra, Ethylene Oxide (EO).

Cụ thể, trang chủ FSAI đưa ra một thông báo ngắn gọn: "Một số lô sản phẩm mì ăn liền đang bị thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide, một chất có trong thành phần thuốc trừ sâu, không được phép sử dụng trong thực phẩm bán ở EU. Mặc dù việc tiêu thụ sản phẩm có chứa các chất gây ô nhiễm không gây nguy hiểm cấp tính đến sức khỏe, nhưng có thể ảnh hưởng nếu sử dụng trong thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất này. Thông báo thu hồi sẽ được hiển thị trong các cửa hàng cung cấp các sản phẩm liên quan".

Chất Ethylene Oxide (EO) trong lô mì Hảo Hảo bị thu hồi tại châu Âu có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 1.

Hai sản phẩm của Acecook bị thu hồi tại Ireland. (Ảnh: Thanh Niên).

Có thể nói, từ "Pesticide" (thuốc trừ sâu) được FSAI sử dụng trong thông báo đã gây ra những hoang mang về EO. Tuy nhiên, việc cấm hay cho phép sử dụng EO cũng tùy thuộc vào từng quốc gia và khu vực.

Theo một báo cáo chuyên biệt của Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), các tác động cấp tính (ngắn hạn) của EO đối với cơ thể người bao gồm gây suy nhược hệ thần kinh trung ương và kích thích màng nhầy ở mắt. 

Tiếp xúc mãn tính (dài hạn) có thể gây hại cho cho não và hệ thần kinh cũng như gây ảnh hưởng tới mắt, da, mũi, họng, phổi. Ngoài ra, cũng có một bằng chứng về việc EO sẽ ảnh hưởng tới sinh sản.

EPA kết luận rằng EO là chất gây ung thư cho con người khi hít phải thông qua đường tiếp xúc. Bằng chứng ở người chỉ ra rằng việc tiếp xúc với EO làm tăng nguy cơ gây ung thư ở hệ bạch huyết và ung thư vú đối với phụ nữ.

Đáng nói, cũng theo EPA, EO vẫn được sử dụng, chủ yếu làm chất trung gian hóa học trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt may, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính và các sản phẩm khác.

Một lượng nhỏ EO được sử dụng như một chất khử trùng, làm chất khử trùng cho thực phẩm (gia vị) và mỹ phẩm, cũng như chất khử trùng cho các dụng cụ y tế. Theo trang Food Safety News, hiện EO cũng có trong cả kẹo cao su, kem, ngũ cốc, bánh kẹo.

Chất Ethylene Oxide (EO) trong lô mì Hảo Hảo bị thu hồi tại châu Âu có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 2.

EO được dùng để khử trùng các dụng cụ y tế. (Ảnh: Chemical Safety Facts).

Tại Việt Nam, theo nội dung Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT về ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam được đăng tải ngày 9/9/2020 trên trang chủ của Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng không có tên EO trong cả hai danh mục được phép sử dụng và cấm sử dụng. Điều này cho thấy các cơ quan chức năng cũng rất cẩn thận khi đánh giá về EO cũng như các tác động của chất này.

Bên cạnh đó, nếu dựa trên Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế thì EO cũng không có tên trong danh mục được quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. 

Hiện tại, một số cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vụ việc thu hồi sản phẩm của Acecook lại diễn ra tại châu Âu, cụ thể là Ireland, nơi đưa EO vào trong danh mục chất độc hại, không được sử dụng trong các sản phẩm bán tại đây.

Trên thực tế, các vụ việc thu hồi sản phẩm do có chứa chất EO tại châu Âu không phải là chuyện hiếm. Theo trang Food Safety News, các quốc gia châu Âu đang đối mặt với nhiều vụ thu hồi sản phẩm liên tiếp liên quan đến việc phát hiện EO trong các sản phẩm phụ gia.

Tháng 9/2020, Bỉ lần đầu tiên đưa ra báo động về EO trong các sản phẩm hạt mè từ Ấn Độ. Sau đó, hàng loạt sản phẩm có sử dụng EO như ngũ cốc, sô cô la, bánh quy,…đã bị ảnh hưởng. Food Safety News khẳng định châu Âu không cho phép sử dụng EO để khử trùng thực phẩm. Ngoài ra, EO cũng được tìm thấy trong các sản phẩm khác như kẹo cao su, kem, các sản phẩm thịt, các sản phẩm sữa lên men và phô mai.

Một số quốc gia như Bỉ và Đan Mạch cho biết họ sẽ tuân theo quy định, nhưng bày tỏ sự lo ngại về việc thu hồi hàng loạt các sản phẩm sản xuất bằng nguyên liệu thô có mức dư lượng tối đa theo quy định của Ủy ban châu Âu.

Chất Ethylene Oxide (EO) trong lô mì Hảo Hảo bị thu hồi tại châu Âu có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 3.

Các sản phẩm bánh kem nổi tiếng bị thu hồi tại Pháp do chứa EO. (Ảnh: Today in 24).

Tháng 6, Tổng cục Chính sách Cạnh tranh, Vấn đề Người tiêu dùng và Kiểm soát Gian lận của Pháp thông báo một số chất phụ gia được sử dụng trong các sản phẩm kem bị thu hồi của các thương hiệu lớn như Nestlé, Mondelez và Picard cũng chứa EO. Các nhà chức trách ở Luxembourg cho biết các cuộc kiểm tra trên thị trường cũng cho thấy một số thực phẩm bổ sung bị nhiễm EO.

Như vậy, có thể nói rằng EO không hẳn là một chất cấm, việc cấm sử dụng EO phụ thuộc vào đánh giá của mỗi quốc gia hoặc khu vực riêng, Hảo Hảo cũng chỉ là một trong số rất nhiều sản phẩm khác nhau có chứa EO bị thu hồi tại châu Âu. 

Ngoài ra, chiều tối ngày 28/8, trong một thông cáo chính thức phát đi, phía Acecook Việt Nam đã xác thực thông tin về vụ việc. Tuy nhiên, công ty khẳng định hai sản phẩm nói trên là sản phẩm xuất khẩu, dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm nội địa.

"Chúng tôi xin cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng", thông cáo viết.

Do đó, cần đánh giá tính chính xác về EO, tránh gây hiểu lầm liên quan đến các loại thuốc trừ sâu, từ đó gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng tiêu cực tới bộ mặt của doanh nghiệp.

Quốc Anh