Là mì gói được người Việt ăn nhiều nhất trong gần 20 năm, mì Hảo Hảo giá 3.500 đồng được sản xuất như thế nào?
Theo thông tin đăng tải trên trang web của công ty Acecook Việt Nam, nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm mì Hảo Hảo là bột lúa mì được nhập khẩu từ Úc và Canada, dầu thực vật là dầu cọ được nhập khẩu chủ yếu từu Malaysia.
Những nguyên liệu chính để cho ra một gói mì Hảo Hảo gồm: Vắt mì - được sản xuất từ nguyên liệu chính là bột lúa mì (một loại ngũ cốc, hay còn gọi là bột mì) và màu được tạo nên từ chiết xuất củ nghệ; Gói dầu gia vị - được nấu từ dầu thực vật tinh luyện cùng các nguyên liệu tươi như hành tím, ớt, tỏi, ngò om…; Gói súp - hỗn hợp các loại gia vị như muối, đường, bột ngọt, bột tôm, tiêu, tỏi…; Gói rau sấy bao gồm thịt, tôm, trứng, rau (hành lá, ba rô, đậu hà lan, cà rốt, cải…) được sấy khô.
Bước đầu để làm ra một gói mì là công đoạn trộn bột, Acecook sử dụng máy tự động cho bột lúa mì, dung dịch nghệ và các loại gia vị (muối, đường, bột ngọt, nước tương, nước mắm…) vào trong cối và trộn đều, quy trình này đượcc hãng giới thiệu là khép kín.
Tiếp theo là cán tấm, bột sau khi trộn được chuyển đến thiết bị cán tấm bằng hệ thống băng tải. Các cặp lô cán thô và cán tinh sẽ cán mỏng dần lá bột cho đến khi đạt đủ yêu cầu về độ dai, độ dày và mỏng theo quy chuẩn của từng sản phẩm.
Lá bột sau khi cán sẽ được cắt sợi thành những sợi mì to, nhỏ, tròn, dẹt khác nhau và hình thành những gợn sóng đặc trưng bởi hệ thống trục lược. Qua bước này, mì sẽ được cho vào nồi hấp hơi ở nhiệt độ 100 độ C, sau đó cho vào khuôn, phễu để được cắt theo hình dáng yêu cầu của sản phẩm. Khi hoàn thành việc tạo hình, vắt mì sẽ được cho vào nồi chiên hoặc sấy để giảm độ ẩm tới mức thấp nhất, điều này giúp mì có thể bảo quản được từ 5 - 6 tháng.
Mì sau khi được tạo thành hình sẽ chuyển qua công đoạn đóng gói cùng các gói gia vị đã được chuẩn bị sẵn. Xong công đoạn này, các sản phẩm sẽ được đóng thùng và chuyển qua bộ phận kiểm tra chất lượng trước khi phân phối ra thị trường.
Trước đó, tháng 9/2018, công ty Acecook Việt Nam thông báo thương hiệu "mì ăn liền Hảo Hảo" là sản phẩm mì gói có lượng tiêu thụ nhiều nhất Việt Nam trong vòng 18 năm, giai đoạn 2000 - 2018. Kỷ lục này đã được Kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận.
Dẫn đầu thị trường mì gói hiện nay tại Việt Nam là 4 ông lớn, gồm: Acecook Việt Nam, Masan Comsumer, Uniben và Asia Foods. Nhóm này chiếm gần 88% về sản lượng và 84% doanh thu thị trường mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm 2020.
Theo khảo sát mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng 67%. Thống kê hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam.
Ngày 20/8, trang web của Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cho biết đã thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền, trong đó có mì tôm chua cay Hảo Hảo và phở Good của Acecook Việt Nam, do có phát hiện có chứa thành phần Ethylene Oxide - đây là chất có hại cho sức khỏe con người và không được phép sử dụng trong thực phẩm phân phối tại Liên minh châu Âu.
Các sản phẩm thuộc diện thu hồi gồm mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77g, hạn sử dụng đến 24/9/2022), miến Good vị sườn heo (loại 56g, hạn sử dụng đến 10/11/2022), mì Yato vị hải sản (loại 120g, hạn sử dụng đến 30/11/2022). Trong đó, hai sản phẩm là mì Hảo Hảo và miến Good do công ty Acecook Việt Nam sản xuất, sản phẩm còn lại có xuất xứ từ Trung Quốc.