|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Báo động lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tại ĐBSCL

16:40 | 27/08/2021
Chia sẻ
Lượng phân bón vô cơ các tỉnh ĐBSCL sử dụng cao hơn 35% so với trung bình toàn quốc. Điển hình như tỉnh Bến Tre sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) những năm gần đây, ĐBSCL đóng góp hơn 50% sản lượng nông nghiệp, trong đó sản lượng lương thực xuất khẩu chiếm 90%, sản lượng trái cây chiếm 70% của cả nước.

Tuy nhiên, vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm đất, nước… làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại hội nghị "Thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long", ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1 tấn/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước.

Lượng phân bón vô cơ các tỉnh ĐBSCL sử dụng cao hơn 35% so với trung bình toàn quốc. Điển hình như tỉnh Bến Tre sử dụng phân bón vô cơ gấp gần 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Bên cạnh đó, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình là gần 6,3 kg/ha gieo trồng, cao hơn 40% so với trung bình cả nước.

Lượng thuốc BVTV hóa học sử dụng cao hơn 72% so với trung bình toàn quốc trong đó lượng thuốc các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp cao gấp 4 lần lượng trung bình toàn quốc.

Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết toàn tỉnh có 177.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, 80.000 ha cây ăn trái, bà con nông dân sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả quanh năm nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc BVTV cao với 1,2 triệu tấn phân bón, 400 tấn thuốc BVTV.

"Khó khăn hiện nay là một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV chưa theo khuyến cáo, lựa chọn sản phẩm chưa phù hợp khiến chi phí sản xuất tăng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19", ông Mẫn nói.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết nguyên nhân khách quan khiến các tỉnh ĐBSCL sử dụng lượng lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là tư duy sản xuất chạy theo sản lượng, lạm dụng phân bón, thuốc BVTV để tăng năng suất.

Người nông dân chưa tính bài toán giữa sản lượng và chi phí, sản lượng tăng chưa chắc lợi nhuận cao.

Cũng theo Bộ trưởng, kinh tế trọng điểm phải tính toán được cả đầu vào và đầu ra. Tuy nhiên, 70% nguyên liệu đầu vào của nền nông nghiệp đang bị lệ thuộc nước ngoài và có thể tăng đột biến do cung cầu của thị trường thế giới.

Do đó, Bộ NN&PTNT khuyến khích nông dân giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV để giảm chi phí sản xuất.

"Đồng thời, Bộ kiến nghị với Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa sản xuất chế phẩm sinh học dựa trên nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp trong nước, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu là đầu vào cho nền nông nghiệp", Bộ trưởng nói.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt nhận định trong khoảng 5 năm gần đây, xu hướng giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, thuốc BVTV được áp dụng và cập nhật hợp lý trong từng mùa vụ, từng tình huống về điều kiện khí hậu diễn ra.

Tuy nhiên, để đáp ứng được mong muốn về giảm giá thành, an toàn thực phẩm, minh bạch trong sản xuất và phát triển bền vững chúng ta còn phải tiến hành những bước tiếp theo dài hơi và có lộ trình.

Hoàng Anh