Dân 'khóc ròng' vì nạn sâu keo phá 5.000 ha ngô
Các huyện có tình trạng sâu bệnh ảnh hưởng nặng như: Kông Chro, Chư Prông và Chư Pưh. Ngay từ đầu con đường Đông Trường Sơn (huyện Kông Chro), chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng ngô hai bên đường bị loài sâu keo gây hại. Lá ngô bị sâu keo ăn rách tả tơi, trơ lại bộ khung.
Chị Nguyễn Thị Loan (40 tuổi, thôn 8, xã Chơ Long) cho biết: “Lúc mới trồng ngô rất đẹp, nhưng khi ngô cao tới đầu gối thì sâu keo xuất hiện. Vợ chồng tôi đã mua hơn 1 triệu đồng thuốc trừ sâu để phun nhưng không hiệu quả.
Đồng ngô tốn hơn 10 triệu đồng đầu tư, chưa kể công sức của gia đình có nguy cơ bị sâu keo tiêu hủy. Trong sự bất lực, tôi và chồng cố gắng vạch từng chiếc lá để bắt sâu, hy vọng vớt vát lại phần nào hay phần đó…”.
Nạn sâu keo phá hại hơn 5.000 ha diện tích ngô trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Biên Thuỳ (thôn 1, xã Chơ Long) chán nản nói: “15 năm kinh nghiệm trồng ngô, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải dịch sâu như thế này. Vụ này tôi trồng 6 ha ngô, thì đã cày bỏ 1,3 ha vì sâu keo phá hỏng hoàn toàn, tránh để tránh lây lan. Còn hơn 4 ha bắt đầu có sâu keo, tôi đang khắp nơi tìm thuốc để trị…”.
Không chỉ gây hại trên cây ngô tại xã Chơ Long, sâu keo cũng bắt đầu gây hại trên cánh đồng hoa màu (ớt, bí, đậu…) của người dân xã Đắk Pơ Pho. Ông Lê Văn Khánh (cán bộ xã Đắk Pơ Pho, huyện Kông Chro) cho biết riêng xã này đã có tới hơn 189 ha bị sâu hại trên cây trồng.
Sau con phát triển rất nhanh, lan rộng ra các huyện trên địa bàn
Ông Hà Ngọc Uyển (Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai) cho biết: “Sâu keo mùa thu là loài có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, có thể gây hại trên 300 loài thực vật (nhất là ngô), sâu keo mùa thu có thể di trú xa hàng trăm km nhờ gió. Loài sâu này hiện đã xuất hiện hơn 10 tỉnh trên cả nước.
Riêng ở Gia Lai, sâu keo mùa thu xuất hiện từ tháng 4/2019. Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn có hơn hơn 5.000 ha ngô trên 11 huyện bị nhiễm bệnh. Trong đó nặng nhất là huyện Kông Chro, Chư Prông và Chư Pưh”.
Nhiều gốc ngô bị ăn hết lá, trơ lại cây
Theo ông Uyển, việc phòng trừ loài sâu này rất khó khăn vì vòng sinh trưởng chỉ trong khoảng 30 ngày, chia làm 6 giai đoạn tuổi. Trên cùng một thửa ruộng, ổ dịch sâu keo mùa thu tồn tại nhiều giai đoạn tuổi khác nhau.
Nên việc phun một lần thuốc thường không diệt trừ triệt để, mà phải phun kép từ 2 đến 3 lần (mỗi lần cách nhau khoảng 7 ngày). Việc phun thuốc chỉ hiệu quả cao khi sâu ở tuổi nhỏ (giai đoạn tuổi 1-2), qua giai đoạn này sâu đã khoẻ và sẽ đục vào trong thân, việc phun thuốc bên ngoài không hiệu quả.
Dân khóc vì vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị loại sâu phá ngô này
“Cách diệt sâu hiệu quả nhất hiện tại là khi sâu mới xuất hiện, bà con phải diệt trừ ngay bằng biện pháp thủ công như bắt bằng tay, sâu phát triển ra diện rộng sẽ vừa tốn công sức, tốn tiền mua vật tư mà hiệu quả không cao. Khi phải can thiệp bằng thuốc hóa học bà con lưu ý phải áp dụng biện pháp 4 đúng.
Đó là đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng phương pháp. Hiện đơn vị đang tham mưu lãnh đạo để tăng cường công tác chỉ đạo, tiêu diệt loại sâu keo tốt hơn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền phương pháp diệt sâu hiệu quả nhất”, ông Uyển nói.