|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sơn La: Bán 1kg ngô chưa mua nổi một cốc trà đá

07:23 | 30/10/2016
Chia sẻ
Tại Sơn La, do sâu bệnh tấn công nên năng suất, giá ngô bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ngô xấu, sâu đục chỉ bán được với giá 1.000 đồng/kg cho các nhà vườn để làm phân bón cây.

1.000 đồng/kg ngô

Cây ngô là cây chủ lực trong canh tác nông nghiệp tại tỉnh và là cây trồng mang lại nguồn thu chính cho nhiều nông hộ tại Sơn La. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, do sự tấn công của sâu hại năm 2016 đặc biệt nghiêm trọng nên đa số các giống ngô thường đều bị hiện tượng sâu đục thân/đục bắp, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của bà con nông dân.

son la ban 1kg ngo chua mua noi mot coc tra da

Giống ngô thường năm nay bị sâu bệnh nhiều, năng suất thấp

Tại Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) bà con nông dân cho biết, tỷ lệ sâu hại ngô quá lớn, có khu vực lên tới 80-90% cây bị hại. Giá ngô hiện nay rớt thê thảm, thậm chí thương lái còn từ chối thu mua.

Chị Quàng Thị Thân ở bản Chặm Cẳng, xã Chiềng Sung (Mai Sơn, Sơn La) vừa thu hoạch ngô than thở: “Năm nay, trồng ngô thường sâu hại nhiều quá, cây nào, bắp nào cũng có sâu, bẻ ngô đem về bán mà thương lái không chịu mua. Nếu giá ngô thấp như bây giờ thì gia đình tôi bán hết cả nương ngô cũng không đủ tiền mua giống, phân, thuốc…”

Chị Thân cho biết, thu hoạch 10 bắp thì 8 bắp sâu, thời điểm hiện tại, bắp đẹp chọn ra bán được 2.500 đồng/kg. Còn những bắp ngô xấu bị sâu đục, mốc meo thì thương lái không mua, gia đình chị đang phải chờ bán cho các nhà vườn để về làm phân với giá 1.000 đồng/kg.

Ông Lò Văn Phái cũng ở bản Chặm Cẳng, xã Chiềng Sung chia sẻ, gia đình ông có 6 hecta đất để trồng ngô. Năm nay do sâu bệnh nên sản lượng ngô, giá ngô đều giảm mạnh. Như năm ngoái, 1 hecta ngô thường được 9-10 tấn ngô bắp, thu về 38- 40 triệu đồng nhưng năm nay chỉ được 26- 30 triệu, mỗi hecta mất 8- 10 triệu đồng.

son la ban 1kg ngo chua mua noi mot coc tra da

Ngô tuyển chọn chỉ bán được 2.500 đồng/kg, còn ngô xấu chỉ có giá 1.000 đồng/kg

Bà Nguyễn Thị Tuyển – Đại lý phân phối Vật tư nông nghiệp tại địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cũng thừa nhận không dám thu mua ngô của bà con. Theo bà Tuyển, thương lái thu mua theo tiêu chuẩn của nhà máy, phải chọn ngô đẹp, đạt chất lượng, nếu nhập ngô xấu bị nhà máy từ chối thì mỗi chuyến xe sẽ lỗ 15 triệu đồng.

“Năm ngoái, giá ngô thu mua là 4.800 đồng/kg nhưng năm nay chúng tôi không dám mua ngô sâu bệnh này cho nông dân vì mua về cũng không biết bán đi đâu. Hi vọng là nông dân có thể bán được cho một số nhà vườn để bón cây”, bà Tuyển cho hay.

Thay thế giống ngô thường

Chia sẻ với PV, ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết, diện tích ngô toàn tỉnh Sơn La khoảng 155.000 hecta. Năm nay do điều kiện canh tác không thuận lợi, sâu hại tấn công lớn nên năng suất, giá thành đều giảm. Tại một số vùng năng suất khoảng 10 - 11 tấn/hecta nhưng có nơi chỉ đạt 5- 6 tấn.

son la ban 1kg ngo chua mua noi mot coc tra da

Ngô chuyển gen được đánh giá có năng suất cao, kháng được sâu bệnh

“Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên sâu bệnh phát triển mạnh. Hầu hết diện tích nương rẫy gieo giống ngô thường đều bị ảnh hưởng. Ngô bị sâu đục thân và sâu đục bắp tấn công khiến người nông dân ít nhiều bị thất thu dẫn đến thiệt hại”, ông Định cho biết.

Để giúp đỡ bà con, Chi cục đang chuyển hướng hỗ trợ, mỗi năm giao cho hệ thống khuyến nông đào tạo, tập huấn, hướng dẫn sử dụng những kỹ thuật canh tác mới như canh tác bền vững trên đất dốc. Ngoài ra còn đưa các giống mới vào sản xuất, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây đã mạnh dạn đưa giống ngô chuyển gen vào.

Năm 2015, diện tích ngô chuyển gen đã lên đến hàng nghìn ha, giảm bớt gánh nặng chi phí và đầu tư công lao động.

Ông Định cho biết, diện tích ngô bị sâu hại tấn công chỉ diễn ra ở những nương rẫy gieo trồng giống ngô thường còn giống ngô biến đổi gen có tính kháng sâu đục thân, đục bắp nên năng suất vẫn đảm bảo.

“Ngô biến đổi gen có nhiều ưu điểm như giảm thiểu chi phí đầu tư cho lao động, như thuốc trừ cỏ hay kháng sâu đục thân. Như mọi người biết khi ngô bị sâu đục thân thì cũng bị ảnh hưởng rất lớn về chất lượng sản phẩm, giá thành và quan trọng là hình thức mẫu mã. Thứ hai, sâu đục thân là tác nhân gây ra những vết thương hở tạo điều kiện để nấm bệnh phát triển. Từ đó, hạt ngô bị một số công ty chế biến thức ăn chăn nuôi kiểm định là khó được nhập vào”, ông Định cho hay.

son la ban 1kg ngo chua mua noi mot coc tra da

Sơn La đang dần áp dụng trồng ngô biến đổi gen thay cho ngô thường

Chị Lò Thị Uôn (xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn) cũng cho biết do ngô thường rất nhiều sâu bệnh, khó bán và giá thấp nên từ năm ngoái gia đình chị đã chuyển sang trồng ngô biến đổi gen. Trong khi 20 kg giống ngô thường chỉ thu được 6 tấn ngô thì ngô biến đổi gen cho thu hoạch hơn 10 tấn. Trồng ngô biến đổi gen năng suất cao, mẫu mã đẹp nên bán được giá hơn.

Trước tình hình sâu bệnh, chị Quàng Thị Thân Thân cho biết sẽ chuyển sang trồng ngô biến đổi gen vào vụ tiếp theo: “Sau vụ này gia đình tôi cũng sẽ chuyển sang trồng ngô biến đổi gen, mặc dù mỗi kg giống đắt gần gấp đôi so với ngô thường, nhưng lại được hỗ trợ miễn phí thuốc trừ cỏ. Hơn nữa, ngô biến đổi gen một số nhà đã trồng rồi, cho năng suất cao, không bị sâu bệnh, do đó sẽ giảm công chăm sóc hơn ngô thường”.

Hiện tại giống ngô thường là 115.000 - 120.000 đồng/kg, trong khi đó giá ngô giống chuyển gen gần 200.000 đồng. Chính vì thế bà con rất mong muốn được hỗ trợ về giống cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Anh Trần Minh Hải (Cò Nòi, Mai Sơn) cho biết, hiện thị trường đầu ra của ngô chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái, nên giá cả còn rất bấp bênh. Do đó, anh Hải rất mong muốn nhà nước, các doanh nghiệp có thêm các giải pháp hỗ trợ người nông dân tiêu thụ ngô tốt hơn.

D. Thùy