|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành chăn nuôi lợn vẫn sẽ gặp khó trong dài hạn

12:11 | 22/05/2017
Chia sẻ
Nhìn lại 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt ngành chăn nuôi với khủng hoảng dư thừa thịt lợn.
nganh chan nuoi lon van se gap kho trong dai han
Ngành chăn nuôi lợn vẫn sẽ gặp khó trong dài hạn. Ảnh minh họa. (Nguồn: Hà Nội mới)

Trong Báo cáo Tình hình Kinh tế - Xã hội 4 tháng đầu năm 2017, Chính phủ nhận định, sản xuất nông nghiệp vừa mới phục hồi nhưng tình hình sâu bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp trên diện rộng, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát, ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, giá bán giảm mạnh.

Về chăn nuôi, công tác chăn nuôi trâu, bò trên cả nước phát triển tương đối ổn định. Đàn bò cả nước tiếp tục tăng nhờ các dự án chăn nuôi bò đang được triển khai và thị trường tiêu thụ tốt. Theo ước tính của chính phủ, tổng số bò tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, hoạt động chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn lớn khi giá cả giảm mạnh do dư thừa nguồn cung nghiêm trọng.

Từ tháng 11/2016 đến nay, do thương lái Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nên đàn lợn đến lứa xuất bán dư thừa. Giá bán theo đó giảm mạnh xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất, ghi nhận mức giá thấp nhất từ trước tới nay và cũng là thấp nhất thế giới.

Cùng với đó, khâu chế biến, tiêu thụ trong nước còn yếu mà xuất khẩu cũng không đáng kể. Kết quả là, người chăn nuôi thua lỗ.

Với những biện pháp “giải cứu” ngắn hạn của chính quyền địa phương và việc Trung Quốc nhập khẩu trở lại, giá thịt lợn đã tăng nhẹ vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, ngành chăn nuôi lợn sẽ chưa thể giải quyết triệt để khó khăn này về dài hạn.

Chính phủ đánh giá khó khăn của ngành chăn nuôi sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Về nông nghiệp, việc sản xuất nhìn chung đúng thời vụ, sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên trong tháng 4 tháng đầu năm nay, tình hình sâu bênh phát triển rộng và tập trung vào cây lúa. Nguyên nhân là, thời tiết mưa nắng thất thường, có thời điểm mưa to kéo dài, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Về lâm nghiệp, nhờ thời tiết thuận lợi nên nhiều đề án trồng rừng được thực hiện tại nhiều phương trong 4 tháng đầu năm.

Tính chung 4 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 52 nghìn ha, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2016, với sản lượng gỗ khai thác ước tăng 0,6% lên 2.554 nghìn m3.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1.902,2 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước tăng 2% lên 864,5 nghìn tấn và sản lượng khai thác ước tăng 4,1% lên 1.037,7 nghìn tấn.

Theo nhận định của Chính phủ, tình hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, hình thành được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đáng chú ý, nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước bắt đầu tham gia vào tái cơ cấu nông nghiệp, trực tiếp đầu tư vào các chuỗi nông sản, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Kim Dung

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.