|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội cho nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng Việt Nam tiến sâu vào Ấn Độ

17:00 | 11/07/2019
Chia sẻ
Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất trên thế giới, nhu cầu về các mặt hàng rất đa dạng và phong phú. Doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng các cơ hội để khai thác sâu dư địa của thị trường tiềm năng này.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đạt khoảng 10,7 tỉ USD, tăng 40% so với năm 2017. 

Trong đó, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ đạt 4,15 tỉ USD chủ yếu là máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, dược phẩm, thủy sảnbông, nguyên phụ liệu dệt may… 

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 6,54 tỉ USD, tăng 74,2% so với cùng kì năm trước chủ yếu là các mặt hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; hóa chất…

Đặc biệt, thông qua Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức thuế 0%. 

Theo đó, hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đang hướng đến mục tiêu kim ngạch thương mại song phương lên mức 15 tỉ USD vào năm 2020.

Tại Hội nghị giới thiệu về triển lãm Quốc tế và Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu - Vibrant Goa 2019 (VG GES 2019) diễn ra ngày 10/7, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết việc tiếp cận thị trường Ấn Độ cũng còn những khó khăn như khoảng cách địa lý xa, giao thông không thuận tiện, thông tin thị trường còn thiếu, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa phát triển cân xứng giữa các vùng miền…

"Nhưng với khả năng tiếp cận thị trường rộng mở do các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã kí kết gần đây như CPTPP và EVFTA, Việt Nam mong muốn cùng hợp tác trong các chương trình hàng đầu của Ấn Độ", ông Thành cho hay.

Những chương trình có thể kể đến Make in India, Start-up India, Digital India cũng như chuỗi các sự kiện Triển lãm - Hội nghị Vibrant Global Expo và Summit do Thủ tướng Ấn Độ khởi xướng trong những năm gần đây.

f320c6d4e410004e5901

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Hội nghị giới thiệu VG GES 2019. Ảnh: Như Huỳnh.

Ông K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ Tại TP HCM, cho biết Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. 

Doanh nghiệp Ấn Độ có mối quan tâm ngày càng tăng trong việc đầu tưkinh doanh với Việt Nam để tiếp cận toàn bộ khu vực Đông Á. 

Tính đến tháng 12/2018, Ấn Độ đã đầu tư vào 224 dự án lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 900 triệu USD, đứng thứ 29 trong số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. 

Những dự án của Ấn Độ tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, năng lượng, khai khoáng, dược phẩm, thiết bị điện…

Chỉ tính riêng tại TP HCM đã có kim ngạch song phương trị giá 1,5 tỉ USD với Ấn Độ vào năm 2018, tăng 11% so với năm 2017. 

Trong khi đó, Việt Nam mới bắt đầu đầu tư vào Ấn Độ 8 dự án, chủ yếu sản xuất phần mềm, thực hiện dịch vụ tin học..

"Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều công ty Việt Nam bước vào khám phá thị trường khổng lồ 1,3 tỉ người ở Ấn Độ bằng cách đầu tư vào Ấn Độ. 

Chính phủ Ấn Độ cho phép 100% vốn FDI theo lộ trình tự động trong nhiều lĩnh vực và thúc đẩy chiến dịch Make in India, cho phép thâm nhập thị trường Ấn Độ nhiều hơn", ông K. Srikar Reddy chia sẻ.

6c4c0f852d41c91f9050

Ông K. Srikar Reddy, Tổng Lãnh sự, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ Tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.

Cũng theo Tổng lãnh sự quán Ấn Độ Tại TP HCM, VG GES 2019 sẽ diễn ra từ ngày 17 - 19/10/2019, tại Ấn Độ với hơn 200 doanh nghiệp đại diện cho hơn 10 quốc gia gồm Australia, Canada, Đức, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…

"Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Vibrant Goa 2019 sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp Ấn Độ trong các lĩnh vực như nông nghiệp và thực phẩm, vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản, du lịch, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật nhẹ, dược phẩm, công nghệ sinh học, đóng tàu, công nghệ thông tin và dịch vụ", ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hội chợ thương mại để tìm hiểu đối tác và nhu cầu thị trường.

"Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về những tập tục, phong tục, luật pháp tại Ấn Độ để hạn chế những rủi ro xảy ra trong xuất khẩu hàng hóa", ông Thành lưu ý.

Theo VCCI, trước đây, thương mại hai nước Việt Nam và Ấn Độ chỉ phụ thuộc vào ba ngành hàng lớn là thức ăn chăn nuôi, bắp và dược phẩm, trong đó Việt Nam nhập khẩu là chủ yếu.

Còn hiện nay, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu đã có thay đổi lớn với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, thiết bị điện tử, điện thoại di động và linh kiện, máy móc thiết bị, dược phẩm, hóa chất, hàng dệt may, xơ sợi, ô tô...

VCCI kì vọng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều là 15 tỉ USD vào năm 2020.

Như Huỳnh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.