|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

8 rủi ro đáng sợ với các thị trường thế giới năm 2021

06:03 | 16/12/2020
Chia sẻ
Tổng thống Joe Biden từ chức hay căng thẳng Mỹ-Trung hạ nhiệt đều nằm trong danh sách của ngân hàng Standard Chartered về các nguy cơ tiềm ẩn trong năm 2021.
8 rủi ro lớn cho chứng khoán Mỹ năm 2021 theo Standard Chartered - Ảnh 1.

Biểu tượng của Standard Chartered. (Ảnh: Bloomberg).

Điều gì có thể khiến nhà đầu tư đi chệch hướng sau cú sốc thiên nga đen COVID-19? Câu trả lời là rất nhiều thứ, theo danh sách nguy cơ tiềm ẩn tới thị trường chứng khoán Mỹ năm 2021 của Standard Chartered. 

Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện, căng thẳng Mỹ-Trung hạ nhiệt khiến đồng nhân dân tệ đi lên, giá dầu suy sụp xuống mức 20 USD/thùng khi OPEC rạn nứt. Đây là ba trong số 8 sự kiện "khó xảy ra" nhưng có thể khiến thị trường chao đảo theo ông Eric Robertsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Standard Chartered.

Đại dịch toàn cầu không nằm trong dự đoán của nhiều người năm 2019 và đã khiến cho toàn thế giới phải choáng váng. Nhưng kể từ đó, phần lớn các thị trường đã phục hồi khỏi cú sốc với sự hỗ trợ từ chương trình tài khóa và tiền tệ khẩn cấp, Bloomberg cho biết. 

Nhà đầu tư đồng thuận rằng tăng trưởng và lạm phát sẽ quay trở lại trong năm mới, trái phiếu doanh nghiệp phục hồi và đồng USD yếu đi. Theo ông Robertsen, cú đánh mạnh nhất sẽ là sự thụt lùi trong việc phân phối vắc xin.

"Với một số thước đo rủi ro quay trở lại ngưỡng trước khi COVID-19 xảy ra, sự đồng thuận về 'tăng phát' có vẻ đặc biệt dễ bị tổn thương trước tin xấu", ông viết.

Theo Bloomberg, năm ngoái, ông Robertson đã đúng khi không loại trừ khả năng Cục dự trữ liên bang (Fed) giảm mạnh lãi suất và giá vàng đạt 2.000 USD/ounce . Ông cũng gần đúng khi đoán S&P 500 sẽ tăng 20%. Dưới đây là danh sách những rủi ro bị định giá thấp cho năm tới:

1. Đảng Dân chủ thắng Georgia và kiểm soát Thượng viện

Đảng Dân chủ khởi xướng chương trình lập pháp để tăng thuế và thay đổi qui định nhắm vào lĩnh vực công nghệ.

Tác động: Cổ phiếu công nghệ lao dốc và lợi suất trái phiếu Kho bạc tăng vọt dựa trên lo sợ về cung.

2. Mỹ và Trung Quốc tìm ra tiếng nói chung

Trung Quốc đồng ý để nhân dân tệ tăng giá nhằm tăng sức mua cho doanh nghiệp và người dân nội địa.

Tác động: Tỷ giá USD/CNY giảm xuống 6.

3. Kích thích tài khóa và tiền tệ thúc đẩy sự phục hồi mạnh nhất trong một thế kỷ

Nhà đầu tư dịch chuyển lượng vốn ngày càng tăng sang các thị trường như đồng kim loại với kì vọng đạt được lợi nhuận từ tài sản thực.

Tác động: Giá đồng tăng 50%.

4. OPEC tan vỡ

Để bù đắp thâm hụt ngân sách, các nước xuất khẩu dầu phá vỡ cam kết về hạn mức và sự hợp tác của các nước OPEC sụp đổ.  

Tác động: Giá dầu quay đầu giảm còn 20 USD/thùng.

5. Hy vọng về kích thích tài khóa của châu Âu tan biến

Năng lực hỗ trợ cuộc phục hồi kinh tế của ngân hàng trung ương châu Âu ngày càng bị ngờ vực với chính sách lãi suất bằng 0 và qui mô bảng cân đối tài sản gần chạm mức 100% GDP.

Tác động: Tỷ giá EUR/USD giảm xuống 1,06 vào giữa năm sau.

6. Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ bỏ chính sách đồng USD mạnh

Khi Quốc hội thất bại trong việc thống nhất về gói cứu trợ, bộ trưởng tài chính tương lai Janet Yellen hạ giá đồng USD để xoa dịu tình hình tài chính.

Tác động: Đồng USD suy sụp, giảm 15%.

7. Các nước mới nổi vỡ nợ và bị hạ xếp hạng tín dụng

Làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp bắt đầu từ từ và dần lan sang các thực thể thuộc sở hữu nhà nước, dẫn tới xếp hạng tín dụng bị giảm.

Tác động: Tới quí II năm sau, chứng khoán của các thị trường mới nổi bốc hơi 30%, mức giảm mạnh nhận kể từ 2013.

8. Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chức

Thất vọng vì không khắc phục được sự chia rẽ sâu sắc giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, chịu sức ép từ các cuộc biểu tình và bất ổn xã hội, ông Biden từ chức để ủng hộ phó tướng Kamala Harris lên làm tổng thống.

Tác động: Chứng khoán Mỹ điều chỉnh mạnh, chênh lệch tín dụng nới rộng, đồng USD nhanh chóng mất giá.

Giang