|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

6 nguyên tắc kinh doanh tinh gọn và hiệu quả

07:46 | 05/01/2018
Chia sẻ
Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đúc kết cho mình một phương pháp kinh doanh để tồn tại và phát triển. Tôi gọi nó là Phương pháp kinh doanh tinh gọn với 6 nguyên tắc.

Tôi khởi sự kinh doanh từ năm 22 tuổi, nhưng do hùn mà không hạp nên sau 1 năm công ty phá sản, mất 88 triệu tiền dành dụm của má tôi.

Từ đó đến nay, tôi may mắn (hoặc không) đã trải qua hơn 10 lần khởi sự, với các mảng kinh doanh không giống nhau: Trung Tâm Đào Tạo Tin Học (đã đóng cửa sau 1 năm), Cho thuê công nhân (vẫn còn, được 10 năm), Xây dựng và cho thuê nhà trọ công nhân (vẫn còn, được 9 năm), Head hunter và Website việc làm (đã đóng cửa sau 2 năm), Vệ sinh công nghiệp (đã đóng cửa sau 2 năm), Nhượng quyền bánh PappaRoti (vẫn còn, được 8 năm), Xây dựng và kinh doanh sân banh cỏ nhân tạo (đã đóng cửa sau 3 năm), Sản xuất - Phân phối hàng may mặc (vẫn còn, hơn 7 năm), Kinh doanh online phụ kiện điện thoại (vẫn còn, được 3 năm),... và gần đây nhất là Phân phối, chuyển giao công nghệ máy móc ngành in, thêu được 1 năm.

6 nguyen tac kinh doanh tinh gon va hieu qua
Chủ doanh nghiệp và nhân viên phải đa nhiệm là một trong những nguyên tắc kinh doanh tinh gọn và hiệu quả.

Sau rất nhiều lần gãy đổ, tôi rút ra một số một số nhận định và kinh nghiệm có thể có ích với các doanh chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ (như tôi).

Môi trường kinh doanh thay đổi ngày càng nhanh và phức tạp, do 4 làn sóng thị trường:

1. Chuỗi giá trị trong ngành phân phối đang thay đổi một cách rõ rệt, điển hình là sự xóa bỏ các mắt xích trung gian nhờ vào sự phát triển của internet nói chung, sự phát triển của các OTT nói riêng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành vận chuyển.

Những năm trước, sản phẩm từ xưởng (ví dụ may mặc, thời trang) làm ra phải qua các chợ đầu mối như An Đông, Tân Bình (ở TP.HCM) phân phối cho các đầu mối các tỉnh hoặc khu vực, từ đây hàng mới đến được các đại lý ở huyện, tiếp theo là các cửa hàng bán lẻ. Nhưng 3 năm trở lại đây mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Từ khi internet và ngành vận tải phát triển, các đại lý cấp trung, thậm chí cả các cửa hàng nhỏ đã dễ dàng tìm đến tận xưởng sản xuất để đặt hàng để được hưởng mức chiết khấu cao hơn. Nhà sản xuất cũng nhờ vậy mà cắt được khâu trung gian để vừa giảm chi phí vừa dành nhiều ưu đãi hơn cho nhà bán lẻ.

Cũng nhờ phương thức F2C (Factory To Consumer) này mà những nhà sản xuất mới tham gia thị trường có nhiều cơ hội hơn để cạnh tranh với các nhà sản xuất đang sở hữu nhiều kênh phân phối. Họ chấp nhận sản xuất số lượng nhỏ với mức chiết khấu cao để tiếp cận được nhiều người mua sỉ và đại lý nhỏ (thông qua internet).

Phương thức vận chuyển đa dạng với sự tham gia của các công ty vận chuyển hàng chuyên nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cùng hệ thống “chành” xe dày đặc đã giúp đưa hàng hóa về tận các địa phương hẻo lánh trên toàn quốc.

Lực lượng cửa hàng bán lẻ và đại lý nhỏ tuy mua số lượng ít nhưng số lượng người kinh doanh dạng này rất nhiều nên tổng sản lượng hàng hóa bán ra của nhà sản xuất không hề nhỏ. Bán cho nhóm này vừa được thu tiền mặt, vừa chiết khấu không quá cao như bán cho một đầu mối, đặc biệt là không bị lệ thuộc vào nhà phân phối độc quyền. Tóm lại, những người kinh doanh đang đóng vai trò là một mắt xích trung gian trong chuỗi giá trị cần chú ý xây dựng cho mình một lợi thế cạnh tranh rõ ràng và sự đóng góp đủ mạnh mẽ trong chuỗi giá trị, nếu không muốn bị “cho ra rìa”.

2. Do internet phát triển, nên hành vi mua sắm của mô hình B2C và B2B cũng thay đổi mạnh mẽ, người mua hàng rất dễ dàng tìm kiếm được thông tin người bán hoặc nhà cung cấp trên mạng, với mô tả sản phẩm, nguồn gốc và giá cả rõ ràng. Người mua có thể đặt hàng từ bất cứ nhà cung cấp nào trên khắp đất nước, hàng sẽ được giao tận nhà.

Chính vì thế, tỷ suất lợi nhuận chung của các ngành đều giảm mạnh, vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá tốt hơn. Giá bán đã “đụng trần”, để có lợi nhuận, doanh nghiệp phải tập trung tối ưu chi phí.

3. Mô hình phân phối hàng hóa O2O2O (online to offline to online) đang phát triển mạnh mẽ và thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Chúng ta quen với việc “buôn có bạn, bán có phường" nhưng bây giờ thì mọi thứ đã khác. Khách hàng bây giờ không còn chạy ra các con đường thời trang, ghé từng shop để tìm các món đồ mình yêu thích nữa, vì 2 lý do:

Thứ nhất, đối với một số mặt hàng như may mặc, thời trang, phụ kiện, điện tử đang được bán rất nhiều trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội Facebook, người tiêu dùng chưa “đói” đã bị quảng cáo “đập vào mắt” với rất nhiều mẫu mã đẹp, giá tốt và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Trước khi “xuống đường”, họ đã tìm được rất nhiều thông tin trên mạng, tìm hiểu và so sánh chất lượng, giá cả, độ uy tín của người bán rồi mới xem địa chỉ người bán ở đâu và chạy tới. Điều đáng nói là sau khi đã tin tưởng sản phẩm, dịch vụ của người bán, khách hàng không muốn trực tiếp đến cửa hàng nữa, họ ở nhà đặt hàng và muốn được ship tận nơi. Chính vì thế, đây là một bài tập lớn cho những người đang kinh doanh truyền thống (offline) phải tìm cách online để gặp được khách hàng nếu không muốn thấy cảnh 2 cửa hàng gần nhau mà một bên hàng khách ùn ùn đến, bên còn lại dù rất rộng rãi, thoáng mát vẫn không có người vào.

Những người đang kinh doanh online cũng nên có cửa hàng offline để khách hàng đến trải nghiệm sản phẩm, thẩm định chất lượng hàng hóa, dịch vụ trước khi “xuống tiền”. Kinh doanh để thấu hiểu và làm tốt một mảng (offline hoặc online) đã khó, bây giờ đòi hỏi phải giỏi cả hai thì mới tồn tại và phát triển được.

4. Đây là một sự thay đổi rất lớn và chưa từng xảy ra từ trước đến nay, nó sẽ thay đổi vĩnh viễn môi trường kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều anh em chúng ta, đó là hàng hóa từ Trung Quốc.

Tập đoàn Alibaba đã mua Lazada hơn 1 năm trước. Kế hoạch mở rộng thị trường của Alibaba vào Đông Nam Á đã công bố vài năm trước, kho ngoại quan của tập đoàn này đã được xây dựng ở biên giới Lạng Sơn hơn 2 năm và sẽ chính thức hoạt động trong 1-2 năm nữa. CEO Lazada cũng vừa công bố khách hàng bắt đầu mua được hàng hóa từ 6 nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc. Điều gì đến cũng đã đến, hàng hóa trên hệ sinh thái B2C, C2C của Alibaba như Taobao, 1688… rồi sẽ được kết nối lên trang Lazada phân phối đến người dân Việt Nam tại mọi miền và ngóc ngách của đất nước. Giá thành sản phẩm từ Trung Quốc rất thấp, nên dù có đóng thuế thì vẫn rất hấp dẫn với người dân chúng ta. Một tháng trước, tuyến đường sắt tàu container chạy thẳng từ Trung Quốc qua Việt Nam đã được khánh thành, giúp cho việc thông thương hàng hóa trở nên dễ dàng, theo đó hàng hóa Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam thông qua sàn B2B của Alibaba sẽ chính thức hoạt động để kết nối doanh nghiệp Việt Nam với nhà máy Trung Quốc vào một ngày không xa. Những doanh nghiệp nào đang nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc dù bằng được chính ngạch hay tiểu ngạch sắp tới cũng sẽ đối diện với một cơn “bão” lớn. Những doanh nghiệp đang sản xuất trong nướccũng phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón bão.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi đút kết cho mình một phương pháp kinh doanh để tồn tại và phát triển. Tôi gọi nó là Phương pháp kinh doanh tinh gọn với 6 nguyên tắc:

1. Tập trung vào lợi nhuận

2. Giảm tối đa rủi ro

3. Giảm tối đa chi phí

4. Nâng cao hiệu suất làm việc bằng ứng dụng công nghệ thông tin

5. Sếp và nhân viên phải multitask (đa nhiệm)

6. Chia nhỏ mục tiêu, công việc đến mức dễ làm, dễ duy trì và thấy kết quả nhanh.

(*) Tác giả là người điều hành aothun.vn (Nội dung này đã được đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp, do Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập lại)

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.