|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tỷ phú John Paul DeJoria: Từ người vô gia cư, bán hàng dạo để kiếm sống thành ông trùm ngành làm đẹp, sở hữu doanh nghiệp tỷ USD

07:15 | 12/10/2021
Chia sẻ
Tỷ phú người Mỹ khẳng định doanh nghiệp cần nghĩ đến các vấn đề xã hội thay vì chỉ nghĩ tới lợi nhuận nếu muốn đi xa.

John Paul Jones DeJoria, sinh năm 1944, là một doanh nhân người Mỹ, một tỷ phú và nhà từ thiện nổi tiếng với tư cách là người đồng sáng lập dòng sản phẩm chăm sóc tóc Paul Mitchell và công ty rượu mạnh Patrón.

Dù vậy, trước khi trở thành tỷ phú, người đàn ông đến từ Mỹ đã trải qua một tuổi thơ vô cùng khó khăn và vất vả. Ông DeJoria được nuôi dưỡng bởi người mẹ đơn thân ở Los Angeles trước khi được hưởng chế độ bảo trợ xã hội do mẹ ông không còn đủ khả năng chu cấp. Thậm chí, đã có những lúc tỷ phú này phải sống vật lộn vì không có nhà ở, phải trú tạm trong chiếc xe ô tô.

Tuy nhiên, những khó khăn này không thể làm chùn bước ông. "Cách duy nhất để thay đổi là tiến về phía trước", tỷ phú John Paul DeJoria chia sẻ trên NBC News. Ông coi những trở ngại kinh tế của bản thân là động lực để làm việc chăm chỉ. Khi không có tiền ăn, ông bán thiệp Giáng sinh; không có tiền học đại học, ông đi bán bách khoa toàn thư.

Nhà đồng sáng lập Paul Mitchell tin rằng không thể sống dựa dẫm vào bất kỳ ai. "Nếu bạn mong đợi một bữa trưa miễn phí, bạn sẽ không thể tiến xa và điều này sẽ rất buồn chán. Hãy đi ra ngoài và làm điều gì đó", ông chia sẻ.

Tỷ phú John Paul DeJoria: Từ câu bé vô gia cư, bán thiệp Giáng sinh để kiếm ăn thành ông trùm ngành tóc, sở hữu khối tài sản ròng gần 3 tỷ USD - Ảnh 1.

Tỷ phú John Paul DeJoria có tuổi thơ khổ cực. (Ảnh: NBC News).

Trong bộ phim tài liệu Good Fortune kể về chính cuộc đời mình, ông John Paul DeJoria cho biết những khó khăn từ khi còn bé chính là những bài học đầu đời trước khi ông tham gia công việc kinh doanh. Thời gian đầu, ông học được các quy trình chăm sóc tóc khi làm việc cho Redken và Fermodyl Hair Case. Dù vậy, ông đã bị sa thải bởi hai công ty này.

Không nản chí, ông vẫn tiếp tục công việc của bản thân. Năm 1980, ông hợp tác với Paul Mitchell để thành lập thương hiệu Paul Mitchell với vốn ban đầu chỉ 700 USD. Thời điểm đó, các hình thức quảng cáo trên internet chưa được phổ biến. Vì vậy, để tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc tóc, ông đã phải đi đến từng nhà phân phối, thuyết trình trực tiếp.

Cuối cùng, thành công đã đến, ông đã có hóa đơn đầu tiên. Kể từ đó, các sản phẩm dần dần được bán một cách phổ biến, đưa Paul Mitchell trở thành công ty triệu USD chỉ sau hai năm. Sự kiên trì đã giúp Jaul Paul DeJoria từ một startup với nguồn vốn vỏn vẹn 700 USD thành doanh nghiệp tỷ USD, biến người ông vô gia cư năm nào đứng vào hàng ngũ tỷ phú.

Bên cạnh Paul Mitchell, thương hiệu rượu Patrón tequila cũng là một công ty lớn. Patrón tequila được sản xuất tại Mexico trong một cơ sở chưng cất bền vững, sử dụng chai tái chế và nước cất không độc hại. Tính đến năm 2017, có khoảng 2 triệu sản phẩm được bán ra mỗi năm.

Tuy nhiên, DeJoria không đo lường sự thành công bằng tiền bạc, theo CNBC. Đối với một doanh nhân mang tính biểu tượng, tiền bạc và quyền lực không phải tất cả. "Tôi đã rất thất vọng về cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được ban phước về nguồn tài chính. Tôi nhận được niềm vui lớn. Đó là cách tôi trả tiền cho những người làm thuê bởi họ là những người kém may mắn hơn tôi", ông tổng kết lại.

Khi đã trở thành tỷ phú, người đàn ông này vẫn nhớ ơn những người đã cưu mang mình, điển hình như Salvation Army, một tổ chức đã giúp mẹ con tỷ phú DeJoria khi hai người còn ở Los Angeles. "Con có thể nghèo, nhưng ngoài kia còn nhiều người kém may mắn hơn chúng ta, mỗi người sẽ có những cách giúp đỡ khác nhau", ông chia sẻ về lời dạy của người mẹ.

Ông là một trong những tỷ phú đã ký cam kết "The Giving Up" vào năm 2011, quyết định cho đi một nửa số tài sản để giúp thế giới tốt đẹp hơn. Một số cái tên nổi tiếng khác cũng ký cam kết này có thể kể đến như tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett.

Ngoài ra, ông còn thành lập JP's Peace Love & Happiness Foundation, trung tâm quyên góp từ thiện cho những hoạt động phản ánh giá trị cốt lõi của công ty: Giải cứu môi trường, giúp đỡ người nghèo và bảo vệ quyền động vật.

"Nếu một doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh thì họ phải nghĩ đến những vấn đề khác thay vì chỉ nghĩ tới lợi nhuận", nhà đồng sáng lập Paul Mitchell nhấn mạnh. Theo Forbes, ông hiện đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 2,8 tỷ USD, là người giàu thứ 1.174 thế giới.

Tỷ phú John Paul DeJoria: Từ câu bé vô gia cư, bán thiệp Giáng sinh để kiếm ăn thành ông trùm ngành tóc, sở hữu khối tài sản ròng gần 3 tỷ USD - Ảnh 2.

Tỷ phú John Paul DeJoria quan tâm nhiều tới các vấn đề xã hội. (Ảnh: Inc).

Bên cạnh đó, trong bộ phim tài liệu, ông cũng tổng hợp ba quy tắc để thành công trên thương trường.

Quy tắc số 1: Chuẩn bị tinh thần cho những lời từ chối

Trên thương trường, chắc chắn các doanh nhân sẽ bị từ chối một vài lần trước khi đi đến thành công. "Bạn tới gõ cửa, nhưng có nhiều người sẽ không đón tiếp bạn. Sẽ có những người không thích sản phẩm của bạn, công ty của bạn hoặc chính bạn. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra điều này ngay từ ngày thành lập doanh nghiệp. Để thành công, bạn phải luôn tự tin và nhiệt huyết. Nếu làm được điều đó, những lời từ chối sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến bạn. Nó sẽ giúp bạn kiên cường", ông giải thích.

Quy tắc số 2: Đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ

DeJoria kiên quyết: "Hãy luôn nhớ rằng bạn phải làm việc chăm chỉ để phát triển một sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới, thứ sẽ được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Kiểu suy nghĩ đó sẽ giúp bạn thành công hơn".

Quy tắc số 3: Làm điều tốt sẽ tốt cho doanh nghiệp và xã hội

"Nếu một doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh, thì doanh nghiệp đó không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận của ngày hôm nay. Công ty phải cam kết giúp đỡ những người khác. Bằng cách này, bạn đang tạo ra những khách hàng tương lai và truyền cảm hứng cho sự trung thành của nhân viên. Khách hàng có xu hướng muốn tham gia cùng những người và doanh nghiệp có khả năng cống hiến thời gian của họ để giúp đỡ người khác và tạo ra sự khác biệt", ông giải thích.

Minh chứng cho quan điểm đó, DeJoria kể rằng kể từ khi ông bắt đầu làm việc cho Paul Mitchell vào năm 1980, tổng số nhân viên của ông chưa đến 100, và hai trong số những công nhân đó đã nghỉ việc.

Quốc Anh