6 lí do Mỹ không nên gây chiến thương mại với Trung Quốc vào lúc này
Fed đang ngưng tăng lãi suất và việc này chỉ mới bắt đầu có hiệu quả tích cực lên nền kinh tế Mỹ.
Tăng trưởng tốt vượt dự kiến và lạm phát thấp trong quí I/2019 khiến nhiều người tin tưởng lúc này là thời điểm thích hợp để nền kinh tế Mỹ giành thắng lợi trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, ông Don Rissmiller - nhà kinh tế trưởng tại Strategas Research, lại chỉ ra 6 yếu tố để chứng minh đây thời điểm hiện tại không thích hợp.
"Tôi cho rằng nền kinh tế Mỹ đang ổn định. Nhưng liệu bạn có thực sự muốn đánh đổi nếu bạn không cần phải làm thế?", ông Rissmiller nói.
CNBC đã tổng hợp lại 6 lí do mà nhà kinh tế trên đưa ra.
1. Mặc dù tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí I là 3,2%, một phần lớn trong con số này, tương đương 0,7 điểm %, là nhờ vào hàng hóa và nguyên liệu tồn kho do các doanh nghiệp nắm giữ.
"Điều này là rất tốt, nhưng nếu bạn nhìn vào các thành phần phụ khác, nó lại không tốt như bạn tưởng. Hàng tồn kho không phải là cách tốt nhất để tăng trưởng", ông Rissmiller nói. "Chúng ta sắp phải trả lại một một phần trong số đó".
2. Phản ứng của thị trường đối với một cuộc chiến tranh thương mại có thể đồng nghĩa với việc thắt chặt các điều kiện tài chính, tuy nhiên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại đang không có ý định nới lỏng.
Fed đang ngưng tăng lãi suất và việc này chỉ mới bắt đầu có hiệu quả tích cực lên nền kinh tế Mỹ.
Ông Rissmiller cho biết, Fed có thể cắt giảm lãi suất về sau, tuy nhiên họ sẽ không khởi xướng trước chỉ vì lo ngại rằng thị trường có thể hoảng loạn hoặc nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại.
3. Lạm phát có thể thấp, tuy nhiên vẫn có nhiều dấu hiệu chứng tỏ lạm phát chưa dứt hẳn, ông Rissmiller lưu ý.
Ông cho rằng, việc tăng tận dụng năng lực sản xuất, tăng lương và giảm thời gian giao hàng là các dấu hiệu chỉ ra lạm phát có thể trở lại.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu lại không tạo được "bước đệm" chống lại lạm phát khi lợi suất 10 năm dưới mức 2,5%.
"Khi bạn cho rằng thuế quan có thể đẩy giá cả tăng lên, nó có thể gây ra lạm phát trong thời gian ngắn", ông nói. "Tôi nghĩ Fed sẽ xem xét đến việc này, nhưng tôi không chắc chắn họ sẽ muốn cắt giảm lãi suất khi lạm phát gia tăng".
4. Mặc dù các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng Mỹ đã mở rộng, mọi thứ dường như không dễ dàng đến vậy. Ông Rissmiller lưu ý, các tiêu chuẩn cho vay là chỉ số hàng đầu cho bảng lương nhân viên.
5. Lĩnh vực sản xuất và số lượng việc làm trong lĩnh vực này đều đang chững lại. Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ - một thước đo tâm lí sản xuất - đang có xu hướng giảm do sự suy yếu chung trên toàn cầu.
6. Cuối cùng, thâm hụt ngâm sách của Mỹ đang lớn dần. Ý định cắt giảm thuế và kích thích kinh tế - vốn làm phình to thâm hụt - là nhằm mục đích khuyến khích doanh nghiệp chi tiêu.
Tuy nhiên, nếu các vấn đề thương mại không được giải quyết, điều đó có thể gây tác động ngược và các nhà điều hành doanh nghiệp sẽ miễn cưỡng chi tiêu trong một môi trường bất ổn.
"Đó là một sự đánh cược lớn chúng ta đang tạo ra cho nền kinh tế thông qua việc đóng thuế", ông nói.