|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

5 biểu đồ về nền kinh tế toàn cầu trước ngưỡng cửa 2021

12:18 | 28/12/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một trong các cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử. Tiến bộ về vắc xin sẽ tiếp thêm động lực cho nền kinh tế trong năm 2021, song bất ổn và khó khăn chưa thể chấm dứt.

Các tiến bộ gần đây trên mặt trận vắc xin ngừa COVID-19 giúp triển vọng kinh tế trở nên tươi sáng hơn, tuy nhiên một số nhà kinh tế cho biết quá trình triển khai vắc xin chậm chạp ở các nước đang phát triển có thể kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Thậm chí ở các nền kinh tế phát triển như châu Âu, các đợt phong tỏa mới nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại của virus cũng có thể tác động tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.

"Vắc xin là một cú hích cho nền kinh tế toàn cầu nhưng phải chờ đến năm 2022 thì tác động của vắc xin mới thực sự sâu rộng", các nhà kinh tế của ngân hàng Citi cho hay trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 12. Tuy nhiên, họ dự đoán tình hình kinh tế năm 2021 sẽ có "chuyển biến rõ rệt", một phần vì năm 2021 hiển nhiên sẽ tươi sáng hơn năm 2020.

CNBC đã tổng hợp 5 biểu đồ về thực trạng kinh tế toàn cầu:

Hoạt động kinh tế giảm mạnh

Sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải ban bố lệnh phong tỏa nhiều tháng liền trong năm 2020. Hoạt động kinh tế do đó mà suy giảm rõ rệt.

Dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2021 qua 5 biểu đồ - Ảnh 1.

Kết quả là, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tụt xuống mức thấp kỷ lục ở nhiều nền kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,4% trong năm nay, trước khi phục hồi trở lại mức tăng trưởng 5,2% vào năm 2021.

Hồi tháng 10, IMF nói nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi, song cảnh báo khả năng phục hồi về các mức tăng trưởng trước đại dịch sẽ "mất khá nhiều thời gian, không đồng đều và không chắc chắn".

Hạn chế đi lại vẫn còn

Đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần biên giới là đặc điểm chính của các lệnh phong tỏa trong đại dịch COVD-19. Hàng loạt chuyến bay quốc tế cũng theo đó mà bị đình trệ.

Tính đến ngày 1/11, hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nới lỏng lệnh hạn chế đi lại, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) cho hay.

Dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2021 qua 5 biểu đồ - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhiều lệnh hạn chế đi lại vẫn còn được duy trì. Các nước chỉ mở cửa biên giới với du khách mang quốc tịch hoặc đến từ một số địa điểm nhất định; hoặc yêu cầu du khách xuất trình xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi cho phép nhập cảnh; hoặc yêu cầu du khách cách ly tập trung hoặc tự cách ly sau khi nhập cảnh.

Thất nghiệp tràn lan

Một trong các hệ lụy chính của cuộc suy thoái kinh tế hiện nay là tình trạng thất nghiệp gia tăng trên toàn cầu.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết tại một số quốc gia, tác động ban đầu của đại dịch đối với thị trường lao động "lớn hơn 10 lần so với những gì từng xảy ra trong các tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008".

Dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2021 qua 5 biểu đồ - Ảnh 3.

"Công nhân, vốn dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, đang phải gánh chịu sức nặng của cuộc khủng hoảng. Người lao động thu nhập thấp đóng vai trò trụ cột trong đảm bảo các dịch vụ thiết yếu hoạt động liên tục trong thời kì phong tỏa và thường có nguy cơ tiếp xúc với virus trong khi làm việc", báo cáo của OECD nêu rõ.

"Các nhóm lao động trên cũng dễ bị mất việc hoặc giảm thu nhập hơn", OECD nhấn mạnh.

Nợ chính phủ tăng vọt

Chính phủ các nước đã tăng chi tiêu ngân sách để bảo vệ thị trường việc làm và hỗ trợ người lao động. Trong báo cáo tháng 10, IMF cho biết chính phủ toàn cầu đã chi tổng cộng 12.000 tỷ USD để chống đỡ thiệt hại kinh tế của đại dịch COVID-19.

Dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2021 qua 5 biểu đồ - Ảnh 4.

Theo IMF, mức chi tiêu tài khóa khổng lồ đã đẩy nợ công toàn cầu lên mức cao nhất từ trước đến nay, song chính phủ các nước không nên rút hỗ trợ tài khóa quá sớm.

"Trong bối cảnh còn rất nhiều công nhân thất nghiệp, doanh nghiệp gặp khó khăn và 80 - 90 triệu người có khả năng rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm 2020, ngay cả khi họ đã nhận được trợ cấp xã hội, thì còn quá sớm để chính phủ chấm dứt hỗ trợ tài khóa", IMF nhấn mạnh.

Ngân hàng trung ương can thiệp

Các ngân hàng trung ương cũng vào cuộc để hỗ trợ nền kinh tế thông qua giảm lãi suất, từ đó giúp chính phủ kiểm soát khối nợ. Thậm chí, lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương đã giảm xuống mức thấp kỉ lục.

Dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2021 qua 5 biểu đồ - Ảnh 5.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương có tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn thế giới, đã hạ lãi suất xuống gần mức 0 và cam kết không tăng lãi suất cho đến khi lạm phát vượt ngưỡng mục tiêu 2%.

Các ngân hàng trung ương ở những nền kinh tế phát triển, như Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng đã tăng cường mua tài sản để bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính. Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi cũng áp dụng chính sách tương tự để hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Khả Nhân