2019: Một năm trầy trật của ngành dệt may vì chiến tranh thương mại
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỉ USD. Trong khi đó, đầu năm nay, VITAS đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 40 tỉ USD.
Theo số liệu của Trade Map và Tổng Cục Hải quan Việt Nam, năm 2019, Việt Nam xếp thứ ba trong top các nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới, đứng sau Trung Quốc và Bangladesh.
Kim ngạch xuất khẩu top 5 nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới trong giai đoạn 2017 - 2019 (đơn vị: Triệu USD). ( Số liệu: Trade Map và Tổng Cục Hải quan Việt Nam. Đồ họa: Alex)
Trong nhóm này Trung Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm 2,3% trong khi Bangladesh và Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 2,4% và 7,2%.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Phó Chủ tịch VITAS cho biết: "Tuy vẫn dẫn đầu các quốc gia cạnh tranh về tăng trưởng nhưng rõ ràng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã bị chậm lại, không duy trì được tăng trưởng hơn hai con số như những năm trước".
Giải thích cho điều này, VITAS cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến tổng nhu cầu nhập khẩu dệt may thế giới năm 2019 yếu đi, chỉ tăng 3,4% so với 2018, ước đạt 780,8 tỉ USD, trong khi suất tăng trưởng 2018 - 2017 đã tăng 7,33%.
Các năm trước đó tổng cầu đều tăng trung bình từ 4,5 - 5.5%.
Mặc dù vậy, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh, Việt Nam duy trì xuất tăng khá nhất năm 2019, tăng hơn 9,13% so với 2018, uớc kim ngạch đạt 39,69 tỉ USD.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may Trung Quốc giảm 2,3%, Pakistan giảm 4,6%, còn lại Bangladesh và Ấn Độ tăng nhẹ khoảng 2%.
Theo phân tích của ông Trường, số lượng mỗi đơn hàng nhỏ đi, khách hàng không đặt hàng dài hạn 3 - 6 tháng như trước và tình hình trở nên khó đoán hơn trước tính chất mùa vụ. Mặt bằng giá bán năm 2019 thấp hơn so với năm ngoái, do đó kéo theo biên lợi nhuận giảm.
Theo báo cáo tài chính quí III của Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến, biên lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay đạt 5,4%, trong khi cùng kì năm ngoái là 5,7%.
Tương tự, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng ghi nhận biên lợi nhuận giảm nhẹ khi chỉ đạt 6,8%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với cùng kì năm ngoái.
Tuy nhiên, một số công ty vẫn có biên lợi nhuận tăng trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kì năm 2018 như Công ty Cổ phần May Sông Hồng (tăng 1,4 điểm phần trăm), Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (tăng 0,5 điểm phần trăm), Tổng Công ty May 10 (tăng 0,1 điểm phần trăm)…
Biên lợi nhuận 9 tháng đầu năm của 5 doanh nghiệp dệt may lớn. (Đồ họa: Alex)
Theo ông Trường, năm 2019 ngành dệt may còn đối mặt với cạnh tranh ngày càng cao về giá vải từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc. Theo đó, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tồn kho vải của Trung Quốc nhiều khiến nước này đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác.
Giá bán sợi của doanh nghiệp Việt Nam giảm mạnh chỉ trong vòng vài tháng. Điển hình hồi đầu năm, giá sợi giảm từ mức 3,09 USD/kg hồi tháng 8/2018 xuống 2,68 USD/kg vào tháng 1/2019 trong khi giá bông vào khoảng 1,95 USD/kg.
"Mỗi kg doanh nghiệp sợi lỗ từ 15-25 UScent và khiến tỉ lệ tồn kho về khối lượng tương đương một tháng sản xuất", ông Trường cho biết.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, thách thức thách thức lớn nhất là phát triển ngành bởi ngành đang đứng trước việc nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP yêu cầu phải đảm bảo qui tắc xuất xứ.
Theo số liệu của VITAS, nhập khẩu nguyên phụ liệu năm 2019 tăng 2,3% lên 22,3 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu tới 80% vải cho xuất khẩu khẩu.
Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam qua các năm 2013 - 2019. Đơn vị: triệu USD (Số liệu: Hiệp hội Dệt may. Đồ họa Alex)
Hiện nay, tới hơn một nửa vải nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi nước này không thuộc nhóm nước EVFTA hay CPTPP nên doanh nghiệp không đạt được qui tắc xuất xứ.
Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện tổng kết ngành dệt may 2019, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tổng Công ty 28 cho biết mặc dù sản phẩm chính của công ty là Veston xuất khẩu nhiều sang EU (chiếm 40%) nhưng chúng tôi không được hưởng lợi từ EVFTA do vẫn đang phải nhập khẩu len từ Trung Quốc để sản xuất.
Ông Hùng cho rằng năm 2020 sẽ còn khó khăn, đặc biệt trong quí I: "Bình thường tháng 12 các doanh nghiệp đủ đơn hàng trong quí I, nhưng năm nay chỉ đạt 60 - 70% chỉ tiêu về đơn hàng, chủ yếu do cạnh tranh về giá gay gắt".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Tổng Công ty 28. Ảnh: ĐQ
Riêng đối với Tổng Công ty 28, ông Hùng nói số lượng đơn hàng mới đủ đến tháng 2 và tháng 3 vẫn đang thương lượng với khách hàng.
"Trước đây tổng công ty chúng tôi có đơn vị cam kết bao tiêu nhưng hiện nay họ chỉ đặt hàng mà không bao tiêu như trước. Đây là tín hiệu khó khăn của doanh nghiệp tôi trong năm tới".
Năm 2020, VITAS đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 42 tỉ USD, tăng 3 tỉ USD so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này VITAS đã đề xuất Chính phủ phê duyệt chiến lược, chỉ đạo địa phương có hạ tầng phù hợp xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung, thu hút các nhà đầu tư vào các khâu dệt, nhuộm.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đẩy mạnh tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ liệu và may, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng, miền.
Theo ông Hùng doanh nghiệp muốn phát triển doanh nghiệp phải theo xu hướng của ngành, xây dựng thương hiệu. Trong 5 năm tới sản xuất thì ít hơn nhưng sẽ tập trung xây dựng thương hiệu nhiều trong nước sau đó xuất khẩu sang nước ngoài.