|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng: Phấn đấu 110 tỉ USD năm 2030, dệt may cần quyết tâm như 2 đội bóng

21:03 | 13/12/2019
Chia sẻ
Ngành dệt may cần chú trọng đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân nước nhà, nên cần chuyển mạnh từ hình thức gia công sang giá trị gia tăng cao và phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu lên 110 tỉ USD vào năm 2030.
 - Ảnh 1.

Thủ tướng đề nghị ngành dệt may đạt kim ngạch 110 tỉ USD vào năm 2030 - Ảnh: TTXVN

Chiều 13-12 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Thủ tướng nói với lịch sử 120 năm của ngành, dệt may đã có đóng góp tích cực khi giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là ở vùng nông thôn, từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp. 

Dệt may cũng góp phần quan trọng vào xuất khẩu cả nước, năm nay đạt tới 39 tỉ USD, tăng 106 lần so với cách đây 20 năm.

Trong sự phát triển đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của VITAS đã tích cực và chủ động tham vấn chính sách, nhất là trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), từ đó mở rộng thị trường.

Theo Thủ tướng, tới đây cùng với xuất khẩu mạnh mẽ, dệt may cần chú trọng đúng mức hơn tới thị trường gần 100 triệu dân nước nhà. Ngành cũng cần tự chủ hơn về nguyên liệu, giảm gia công, bớt phụ thuộc vào nguyên liệu từ bên ngoài. 

Hiện dệt may vẫn phải nhập khẩu tới 40% bông, 60% xơ sợi, khiến giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu còn lệch hẳn về may mặc, chiếm tới 70%, chưa có sản phẩm sợi cao cấp, những mặt hàng mang lại giá trị cao hơn.

Cơ cấu lao động ngành còn hạn chế, cuối năm ngoái có 3 triệu lao động làm việc trong ngành dệt may thì trên 25% được đào tạo, còn gần 75% chưa qua đào tạo. Trong bối cảnh kinh tế nước ta ngày càng phát triển, mức sống được cải thiện, nhân công giá rẻ sẽ dần không còn là lợi thế cạnh tranh, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các nước nhân công rẻ hơn.

Vì vậy, Thủ tướng đặt vấn đề: "Ngành cần làm gì để tiếp tục ở nấc thang cao hơn, giữ vững là cường quốc dệt may của thế giới? 

Đây là câu hỏi rất lớn mà 7.000 doanh nghiệp phải suy nghĩ. Tôi mong muốn ngành phải là cường quốc, nhóm đầu trong ngành dệt may. Phải vươn lên trong thế giới hội nhập, chiếm lĩnh thị trường".

Thủ tướng cũng nêu mục tiêu cho ngành là đến năm 2030 phấn đấu xuất khẩu đạt 110 tỉ USD, có ít nhất 30 thương hiệu Việt Nam đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới, là top đầu thế giới về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động.

"Muốn thực hiện điều đó, ngành cần có tinh thần tự cường trong phát triển, hướng đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng trong thế giới công nghiệp. Dệt may Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ hoài bão và quyết tâm như 2 đội bóng tham dự SEA Games", Thủ tướng nhắn nhủ.

N.An