Chịu áp lực thương chiến Mỹ - Trung, ngành dệt may 'lỡ hẹn' mục tiêu cán mốc 40 tỉ USD
Áp lực từ xung đột Mỹ - Trung
Tại cuộc họp báo Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổng kết năm 2019, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết mặc dù chịu tác động rất lớn của tình hình suy giảm kinh tế thế giới do biến động chính trị và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ảnh: ĐQ
Tuy kim ngạch xuất khẩu không đạt 40 tỉ USD như kì vọng đầu năm, ngành vẫn có mức tăng trưởng ước khoảng 7,55% so với năm 2018.
"Dự kiến năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,38 tỉ USD tăng 2,21% so với năm 2018. Thặng dự thương mại năm 2019 đạt 17,7 tỉ USD tăng 106,5 lần so với 185 triệu USD của năm 1999", ông Giang nói.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỉ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỉ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu.
EU đứng thứ hai đạt 4,4 tỉ USD tăng 2,23%, chiếm tỉ trọng 11,28%
Số liệu: Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Đồ họa: Alex
Chủ tịch VITAS cũng cho biết thêm ngành dệt may Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những thành viên của Hiệp hội Dệt may Thế giới và là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất khu vực ASEAN.
Ông Giang nhìn nhận ngành dệt may đón nhận nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhất là CPTPP và EVFTA.
Ông Giang cho rằng những FTA sẽ tạo ra sân chơi toàn diện. Ngành dệt may được tiếp cận khoa học công nghệ 4.0. Hàng loạt nhà máy đầu tư, đã tham gia vào ngành dệt may và nhiều công đoạn được tự động hóa.
"Tỉ trọng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP gia tăng. Trước đây, để xuất khẩu vào các thị trường này rất khó do phải cạnh tranh với Trung Quốc. Năm nay, các khách hàng khu vực này đã sang Việt Nam để đặt hàng. Đồng thời, hiện xu hướng đầu tư hàng dệt may vào Việt Nam cũng đang tăng", ông Giang chia sẻ.
Thách thức từ việc phát triển khâu thiết kế
Tuy nhiên, Chủ tịch VITAS cũng chỉ ra thách thức thách thức lớn nhất là phát triển ngành bởi ngành đang đứng trước việc nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Thách thức này đan xen phát triển những khu công nghiệp có tiêu chuẩn xử lí nước thải để kêu gọi đầu tư vào nguồn cung như dệt sợi..
Bên cạnh đó, là thách thức sự phát triển ngành thời trang và nhãn hiệu Việt Nam đưa ra thị trường thế giới. Nếu hội nhập có tính toàn diện cần có chiến lược cho ngành thiết kết thời trang. Theo đó, ngành này phải chủ động được thị trường, phải phát triển mẫu.
Khách hàng phải đến Việt Nam và chọn mẫu mã do nhà thiết kế Việt Nam đưa ra.
"Sân chơi toàn cầu thế giới phẳng sẽ không còn kiểu khách hàng đưa cho ta một mẫu mã làm theo mà đòi hỏi chúng ta phải phát triển mẫu, phải thiết kế được chào mẫu cho nhà mua.
Khách hàng sẽ không bỏ tiền ra thuê nhà thiết kế. Họ cần có nguyên phu liệu ngay tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp phải có nhà thiết kế có tầm nhìn.
Năm nay phải nghĩ đến thiết kế của năm 2021, 2022. Khách hàng thấy nước nào mẫu mã tốt, giá tốt, có nguyên phụ liệu trong nước thì họ sẽ mua", ông Giang nói