Ngành dệt may Campuchia sẽ chịu thiệt hại lớn nếu EU áp đặt trừng phạt thương mại
. Ảnh: TTXVN
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các lệnh trừng phạt thương mại sẽ khiến các thương hiệu thời trang phải tìm lực lượng sản xuất ở nơi khác do lo ngại các nhóm công đoàn.
Hiện tại, Campuchia đang được hưởng ưu đãi từ chương trình Tất cả hàng hóa trừ vũ khí (EBA) từ năm 2001, cho phép 49 quốc gia nghèo nhất thế giới xuất khẩu miễn thuế vào các thị trường thuộc khối EU, tương tự một phần của Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP).
Tuy nhiên, ngày 11/2/2019, EU đã tuyên bố Campuchia có thể không được hưởng chế độ ưu đãi do vi phạm các tiêu chuẩn của khối trong các lĩnh vực cơ bản.
Điều này sẽ gây tác động nghiêm trọng cho ngành dệt may, ngành lớn nhất của Campuchia với lực lượng lao động hơn 700.000 người, tạo ra 7 tỷ USD mỗi năm, trong đó, thị trường EU chiếm 45% giá trị trong năm 2018.
Con số này sẽ bị thu nhỏ sau khi EU bắt đầu một quá trình áp dụng thuế quan mới vào tháng 8/2020.
Việc áp thuế trở lại sẽ dẫn đến hậu quả tài chính mà ít doanh nghiệp quốc tế nào sẵn sàng chấp nhận. Theo hãng tin Reuters, một số doanh nghiệp tại Campuchia đã lên kế hoạch rời khỏi nước này.
David Savman, người phụ trách sản xuất tại Công ty thời trang H&M của Thụy Điển với khoảng 50 nhà máy ở Campuchia, đã xác nhận rằng công ty sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh nếu lợi ích thương mại tại quốc gia Đông Nam Á chấm dứt. Nguồn cung ứng thay thế có thể là Trung Quốc và Indonesia.
Theo đánh giá của Khun Tharo, Điều phối viên chương trình của Trung tâm Liên minh Quyền con người và Lao động, khoảng 90.000 người lao động, tương đương gần 13%, có thể mất việc làm và họ sau đó có thể sẽ phải làm việc tại “các ngành công nghiệp giải trí hoặc dịch vụ, tại các quán bar và tiệm mát xa”.
Một giải pháp khác sẽ là di cư sang Thái Lan, nơi ước tính có 2 triệu người Campuchia đang làm việc. Đa số trong số họ không có giấy tờ và rất dễ bị bắt làm nô lệ thời hiện đại. Dù bằng cách nào, những rủi ro nghiêm trọng sẽ xảy ra.
Trong đó, công nhân dệt may và gia đình họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hồi đầu tháng này, tổ chức phi lợi nhuận Mekong Future Initiative (MFI) đã công chiếu bộ phim tài liệu ngắn nói về hoàn cảnh của nữ công nhân dệt may Sek Hong có thâm niên nghề may từ năm 1997.
Người xem thấy rằng việc nữ công nhân mất việc làm sẽ ảnh hưởng đến không chỉ bản thân cô mà còn cả gia đình, người cha già, cậu con trai đang đi học và những người xung quanh như giáo viên dạy học, tài xế xe buýt, người bán rau và người kinh doanh khác nơi Sek Hong sinh sống. Tất cả sẽ thay đổi nếu Sek Hong mất việc làm.