20 năm kinh doanh, sở hữu công ty doanh thu 100 trăm tỷ/năm - CEO Elite Meta khởi nghiệp xây dựng lớp học trong vũ trụ ảo, được Shark ngoại quốc rót tiền
Dự án khởi nghiệp Elite Meta với người đại diện là CEO Founder Nguyễn Anh Tuấn đến với Shark Tank với mong muốn gọi 100.000 USD cho 1% cổ phần công ty. Tới bể cá mập, Nguyễn Anh Tuấn đã mang công nghệ Metaverse ứng dụng trong việc tổ chức lớp học trực tuyến.
Theo đó, nhà sáng lập Elite Meta đã nói về xu hướng mới của ngành công nghệ hiện nay, được tiên phong bởi mạng xã hội Facebook của tỷ phú Mark Zuckerberg, đó là Metaverse.
Với công nghệ này, Nguyễn Anh Tuấn đã xây dựng quá trình gồm ba bước: Từ xây dựng các lớp học để học sinh, sinh viên, người lớn tuổi có thể học tập và làm việc trong không gian đó, đến xây dựng các trường học có đủ chức năng. Và cuối cùng là xây dựng một thành phố giáo dục, song song với phát triển một Marketplace (chợ trực tuyến) để mua bán trao đổi các NFT của các công cụ giáo dục, vật phẩm sáng tạo của các sinh viên tạo ra.
Theo quan điểm của startup, Việt Nam chi ra khoảng 5,9% GDP tương đương với khoảng 16 tỷ USD/năm cho giáo dục và con số đó còn gấp khoảng 100 lần trên thế giới. Trên cơ sở đó, ông Tuấn nhận định thị trường phát triển Metaverse trong giáo dục có thể nói là khổng lồ. Nhà sáng lập cho biết Elite Meta cũng đã làm việc với một số trường Đại học trong nước và quốc tế để đưa công nghệ này vào việc giảng dạy.
Startup định hướng tìm kiếm nguồn thu bằng việc cho thuê các lớp học ảo, hợp tác và ăn chia % với các cơ sở giáo dục. Song, Elite Meta chưa có doanh thu.
Vị cá mập ngoại lần đầu tiên xuất hiện tại Shark Tank là Shark Erik đặt câu hỏi về việc so sánh sản phẩm của startup với Google.
Ông Tuấn trả lời rằng những ‘ông lớn’ như Google, Facebook là toàn cầu và dùng những nền tảng không có quá nhiều tùy biến để sử dụng phổ cập cho người dùng. Trong khi đó, nền tảng Metaverse Edu sẽ chủ yếu phục vụ cho lĩnh vực giáo dục nên các tùy biến trong mô hình này sẽ tốt hơn.
Nhà sáng lập cũng tự tin giới thiệu bản thân là kiến trúc sư có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất cao cấp. Ông Tuấn đã đi rất nhiều thành phố lớn trên thế giới để nghiên cứu về kiến trúc, lịch sử văn hóa.
Theo nhà sáng lập Elite Meta, các nền tảng hiện nay đang có sự nhầm lẫn giữa đồ họa Game và đồ họa kiến trúc gây ra sự mệt mỏi cho người sử dụng bởi não bộ sẽ phản ứng lại những gì không quen thuộc trong cuộc sống bình thường.
Startup tự tin rằng đồ họa của công ty được thiết kế chặt chẽ về tỷ lệ khuôn hình, màu sắc, chất liệu… và ông Tuấn cho rằng đây chính là điểm đặc biệt trong thời điểm hiện tại mà Elite Meta có thể hơn được những ông lớn. Ngoài ra, các nhà đồng sáng lập của Elite Meta cũng đang làm việc tại Tập đoàn công nghệ Accenture (Đức) và công ty tin rằng công nghệ của mình đang đi song song với Accenture, không lo sợ Facebook hay Google.
Về cách tạo ra hiệu quả học tập, ông Tuấn nêu quan điểm: “Hiệu quả học tập phụ thuộc và rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phải thích, thích vào lớp thì học sẽ tốt”. Startup nhận thấy đây là giải pháp cho các gia đình trong việc chuyển mô hình giảng dạy sang hình thức online.
Sau khi nghe những chia sẻ của startup, Shark Bình thẳng thắn góp ý rằng những gì mà MetaClass đang làm là ‘bắt trend công nghệ’ metaverse. Tuy nhiên, theo vị cá mập, metaverse thực chất là việc các công ty phức tạp hóa một vấn đề đơn giản và không đem lại bất cứ giá trị nào cho cá nhân người sử dụng.
Là một người đã từng trải nghiệm metaverse của Facebook, Shark Bình không đánh giá cao xu hướng công nghệ này. Shark Bình dẫn lời một CEO nổi tiếng của công ty chuyên phát hành và thiết kế game: “Tôi cũng không hiểu Metaverse là cái gì khi mà họ đang làm lại những thứ mà các công ty game đã làm cách đây 20 năm”.
Shark Bình cho rằng metaverse vẫn là một khái niệm quá sớm và chưa hề chứng minh được tương lai, CEO đang đâm đầu vào một thứ mà thế giới còn chưa chứng minh được. Vị cá mập nhận xét mô hình đưa lớp học lên trực tuyến mà startup đang làm chính là điển hình cho việc phức tạp hóa một vấn đề đơn giản.
Sau phần góp ý của Shark Bình, ông Tuấn chia sẻ rằng ông đã có kinh nghiệm 20 năm kinh doanh, sở hữu công ty doanh số 100 tỷ/năm nhưng bản thân sẵn sàng hi sinh vì giấc mơ của mình. “Em nghĩ rằng chúng ta nên có giấc mơ và phát triển cùng với thế giới bởi vì tương lai thì sẽ đến với những người có giấc mơ và nỗ lực làm việc”, CEO Elite Meta nói.
Shark Bình và Shark Hùng Anh là những người đầu tiên từ chối deal này. Tiếp theo là Shark Liên. Trong khi đó, Shark Hưng cho rằng đây là một sản phẩm tuyệt vời đứng ở góc độ công nghệ. Đặc biệt, vị cá mập dành lời khen cho phần đồ họa kiến trúc của startup. Tuy nhiên, ông không đầu tư và lý do là bởi mô hình ứng dụng kinh doanh không phù hợp, ông khuyên startup nên suy nghĩ thêm về điều này.
Là người còn lại duy nhất, Shark Erik cho rằng startup đang ngáo giá. Theo ông, mô hình kinh doanh của Meta Class vẫn phải hoàn thiện nhiều. Vị cá mập ngoại đánh giá sản phẩm thú vị và có thể ứng dụng theo một vài cách khác.
Theo chia sẻ của Shark Erik, con gái ông cũng rất yêu thích Metaverse và ông gợi ý nên làm cách nào đó để các trò chơi mang tính giáo dục thay vì chỉ là một sự lãng phí thời gian. Shark Erik đưa ra đề nghị 100.000 USD cho 15% cổ phần. Sau đó, startup ra giá lại là 100.000 USD cho 10% cổ phần. Và Shark Erik đã đồng ý với deal này, mở tài khoản tại Shark Tank Việt Nam.