|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

10 tập đoàn lớn sở hữu hơn 200.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, Hòa Phát đang dẫn đầu

21:42 | 29/10/2022
Chia sẻ
Tại ngày 30/9 năm nay, Hòa Phát đang có 38.911 tỷ đồng tiền, tương đương tiền, và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, nhiều hơn các doanh nghiệp lớn khác như FPT, Sabeco, Vinamilk, Vinhomes, …

Số liệu bao gồm các công ty cổ phần đã thông báo kết quả kinh doanh hợp nhất quý III/2022, không bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán. 

Theo bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/9/2022, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang có 11.881 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, đồng thời đang gửi ngân hàng 27.030 tỷ đồng với kỳ hạn từ ba tháng đến dưới một năm. Như vậy, tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của Hòa Phát là 38.911 tỷ đồng, dẫn đầu các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III đến thời điểm này.

Con số kể trên chưa bao gồm 533 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dài trên 12 tháng. Trong quý III vừa qua, Hòa Phát thu về gần 485 tỷ đồng lãi tiền gửi và tiền cho vay, tăng gần 52% so với cùng kỳ 2021.

Ngoài vị trí quán quân tiền mặt + tiền gửi, Hòa Phát còn là á quân về doanh thu thuần quý III khi đem về 34.103 tỷ đồng, chỉ đứng sau CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Con số 34.103 tỷ đồng này chưa phải là doanh thu cao nhất lịch sử của Hòa Phát do còn thấp hơn 12% so với cùng kỳ 2021. Vào quý IV năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long thu về kỷ lục 44.711 tỷ đồng.

Hòa Phát cho biết kết quả kinh doanh quý vừa qua không khả quan do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu cao bất thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Hòa Phát từng có lúc sở hữu hơn 46.300 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. 

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) đứng thứ 2 về lượng tiền mặt và tiền gửi trong số những doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính. ACV thường xuyên xuất hiện trong top 10 nhờ khoản tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3-12 tháng trị giá khoảng 32.000 tỷ đồng, tương đương 1,33 tỷ USD.

Lượng tiền gửi khổng lồ này giúp cho ACV thu được 413 tỷ đồng tiền lãi, lớn gấp 24 lần chi phí lãi vay. Lũy kế 9 tháng đầu 2022, ACV thu được 1.188 tỷ đồng lãi tiền gửi, trong khi chi phí lãi vay chỉ chưa đầy 55 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng công ty quản lý 22 sân bay trên cả nước này còn ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá 2.214 tỷ đồng nhờ đồng yen Nhật mất giá.

Các vị trí số 3, 4 và 5 trong danh sách top tiền mặt + tiền gửi cuối quý III lần lượt thuộc về Công ty cổ phần FPT (Mã: FPT), Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB) và Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM).

Vinamilk và FPT cũng đang lần lượt xếp thứ 7 và thứ 9 trong danh sách top doanh thu thuần quý III. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vinamilk đạt 2.323 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp có tên trong top tiền mặt + tiền gửi cũng góp mặt trong top doanh thu quý III, cụ thể là Hòa Phát (HPG), Vinhomes (VHM), Vinamilk (VNM) và FPT

Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland – Mã: NVL) xếp thứ 6 về lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại ngày 30/9. Trong đó, giá trị tiền gửi ngân hàng với kỳ hạn 3-12 tháng của Novaland là xấp xỉ 999 tỷ đồng, còn lượng tiền và tương đương tiền là 21.168 tỷ đồng, tăng hơn 3.900 tỷ so với ngày đầu năm 2022.

Nếu chỉ tính riêng tiền và tương đương tiền (không kể tiền gửi kỳ hạn 3-12 tháng), Novaland đang dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) cũng góp mặt trong top đầu về tiền mặt + tiền gửi ngắn hạn với vị trí thứ 7, tiếp đến là Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM), CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC).

Đức Quyền