|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát quý III: Chi phí tài chính hơn 2.300 tỷ đồng, gấp 2,3 lần lãi gộp

10:11 | 30/10/2022
Chia sẻ
Chi phí tài chính cao đột biến là một trong những nguyên nhân làm Hòa Phát thua lỗ trong quý III. Riêng lỗ do chênh lệch tỷ giá đã lên tới 1.414 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ.

Lỗ chênh lệch tỷ giá vượt xa lãi gộp là một trong những nhân tố khiến Hòa Phát lỗ sau thuế gần 1.800 tỷ đồng trong quý III/2022. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Doanh thu thuần của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) trong quý III vừa qua là 34.103 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ 2021. Trái lại, giá vốn hàng bán tăng thêm 6.290 tỷ đồng, tương đương thêm 23,5%.

Doanh thu giảm trong khi giá vốn đi lên khiến cho lợi nhuận gộp của Hòa Phát rơi xuống còn 1.001 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2013 và chỉ bằng chưa đầy 1/10 quý III năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp giảm còn 2,9%.

Doanh thu thuần quý III của Hòa Phát giảm 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 91,6%.

Lỗ chênh lệch tỷ giá đẩy chi phí tài chính lên cao

Doanh thu tài chính quý vừa qua là 886 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với mức 879 tỷ đồng của một năm trước. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng vọt 138,5% lên 2.309 tỷ đồng.

Riêng chi phí lãi vay là 837 tỷ đồng, chiếm hơn 36% tổng chi phí tài chính trong kỳ và tăng 24% so với quý III năm ngoái. Lỗ chênh lệch tỷ giá (đã thực hiện cũng như chưa thực hiện) lên tới 1.414 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ.

Hòa Phát có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu lớn, đồng thời vay nợ nhiều bằng ngoại tệ, nên những biến động tỷ giá có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả tài chính của tập đoàn.

Từ tháng 3 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 5 lần liên tiếp thêm tổng cộng 300 điểm cơ bản (bps). Dòng tiền chảy về Mỹ để được hưởng lãi suất cao hơn, khiến cho đồng USD mạnh lên.

Hầu hết than và quặng sắt được Hòa Phát dùng trong luyện thép đều đến từ nước ngoài. USD tăng giá khiến cho chi phí nhập khẩu của Hòa Phát cũng đi lên theo.

Báo cáo tài chính quý III không thuyết minh chi tiết về rủi ro tỷ giá của Hòa Phát. Tuy nhiên theo báo cáo bán niên hợp nhất, tại ngày 30/6 năm nay, Hòa Phát đang vay ngắn hạn gần 1,17 tỷ USD, vay dài hạn 132 triệu USD, phải trả người bán gần 866 triệu USD.

Giá trị các khoản tiền, tương đương tiền và phải thu ngắn hạn là gần 390 triệu USD. Như vậy, Hòa Phát có hơn 1,8 tỷ USD nợ phải trả thuần chịu ảnh hưởng của rủi ro tỷ giá.

USD mạnh lên so với VND, khiến cho các nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Hòa Phát lớn hơn trước.

Khi USD tăng giá, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Hòa Phát cũng đi lên theo, ảnh hưởng tới sức khỏe tài chính. Từ đầu năm 2022 đến ngày 28/10, VND đã mất giá khoảng 9,2% so với USD. Tính đến cuối quý III (30/9), tỷ lệ mất giá là khoảng 5%.

Lãi tiền gửi, tiền cho vay của Hòa Phát quý vừa qua là gần 485 tỷ đồng, tăng 165 tỷ đồng so với quý III năm ngoái. Chi phí lãi vay cũng tăng 162 tỷ đồng lên 837 tỷ. Hòa Phát cho biết tỷ giá và lãi suất tăng mạnh là hai trong số những nhân tố khiến kết quả kinh doanh quý III/2022 chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Mặt bằng lợi suất lên cao giúp Hòa Phát tăng nguồn thu từ tiền gửi nhưng đồng thời làm tăng chi phí lãi vay trong quý III.

Bên cạnh chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá, nhiều khoản mục khác trên báo cáo tài chính của Hòa Phát cũng đi lên đáng kể so với cùng kỳ như chi phí bán hàng tăng 9% lên 635 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 24,6% lên 294 tỷ đồng.

Các khoản chi phí đều tăng trong khi doanh thu và lợi nhuận gộp giảm đã khiến cho Hòa Phát lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng trong quý III, kéo tụt lợi nhuận lũy kế 9 tháng xuống còn 10.443 tỷ đồng.

Sau ba quý, Hòa Phát mới thực hiện được gần 42% kế hoạch lãi sau thuế 25.000 – 30.000 tỷ đồng 2022.

Quý III/2022 là lần đầu tiên Hòa Phát lỗ sau thuế kể từ năm 2008.

Đức Quyền