Doanh nghiệp thép từ lớn đến nhỏ đều báo lỗ quý III khi giá bán giảm, nhu cầu yếu
Hôm nay 28/10, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) cho biết doanh thu thuần quý III vừa qua là 34.103 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Lỗ sau thuế là 1.786 tỷ đồng, trái ngược với số lãi kỷ lục 10.351 tỷ của quý III năm ngoái. Đây là lần thua lỗ đầu tiên của Hòa Phát kể từ cuối năm 2008.
Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cho biết kết quả kinh doanh quý III sa sút là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu lên cao - đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Năm 2022, Hòa Phát đề ra mục tiêu doanh thu hợp nhất 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử tập đoàn. Lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 25.000 – 30.000 tỷ đồng, thấp hơn 13-28% so với năm 2021. Các cổ đông từng coi kế hoạch này là quá thận trọng, tuy nhiên thực tế đã cho thấy điều ngược lại.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức vào ngày 24/5 năm nay, Chủ tịch Trần Đình Long đã cảnh báo nhà đầu tư về tình hình “thê thảm” của ngành thép trong nửa sau năm 2022:
“Mọi người cứ đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và hết năm rồi sẽ thấy tại sao chúng tôi thận trọng. Kế hoạch năm nay là khó. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi”.
Sau 9 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt 10.443 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, mới thực hiện được 42% kế hoạch cả năm. Doanh thu 9 tháng là 116.559 tỷ đồng, tương đương 73% mục tiêu năm.
Ngoài những biến động trên thị trường thép và nguyên liệu sản xuất, việc VND mất giá cũng tác động tiêu cực tới kết quả kinh doanh của Hòa Phát.
Chi phí tài chính quý III năm nay là 2.309 tỷ đồng, tăng gần 139% so với quý III/2021. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá là hơn 1.400 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ. Khoản lỗ do tỷ giá này cũng lớn hơn lợi nhuận gộp 1.000 tỷ đồng của Hòa Phát.
Tuy kết quả doanh thu và lợi nhuận sút kém nhưng Hòa Phát vẫn chiếm lĩnh thị phần lớn nhất trong mảng thép xây dựng và ống thép, thậm chí có cải thiện so với năm ngoái.
Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ghi nhận doanh thu thuần quý III (tức quý IV theo niên độ tài chính của công ty) đạt 7.939 tỷ đồng, tương đương 50% cùng kỳ năm ngoái. Lỗ gộp và lỗ sau thuế quý vừa qua tương ứng là 231 tỷ và 887 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2021 Hoa Sen có lãi.
Lũy kế cả năm tài chính từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ ghi nhận doanh thu 49.711 tỷ đồng, hoàn thành 107% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 251 tỷ đồng, thực hiện 17% kế hoạch.
Sản lượng tiêu thụ toàn niên độ là gần 1,82 triệu tấn, tương đương 91% mục tiêu. Ở mảng sản phẩm chủ lực là tôn mạ, Hoa Sen vẫn đang dẫn đầu với thị phần 29,1% trong 9 tháng đầu năm dương lịch 2022.
CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) cho biết doanh thu thuần quý vừa qua là 4.424 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với quý III/2021.
Giá vốn hàng bán giảm với tốc độ chậm hơn là 26,5% nên công ty lỗ gộp 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi gộp xấp xỉ 1.296 tỷ.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tập đoàn của Chủ tịch Hồ Minh Quang ghi nhận lỗ sau thuế gần 419 tỷ đồng, trái ngược với số lãi ròng gần 607 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế ba quý đầu năm, Nam Kim báo lãi ròng gần 290 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/6 con số 1.773 tỷ của 9 tháng đầu năm 2021.
CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS) báo cáo doanh thu thuần và lợi nhuận gộp quý III tương ứng là 2.605 tỷ và 45 tỷ đồng, giảm lần lượt 15,5% và 75,7% so với quý III năm ngoái. Tương tự Hòa Phát và Nam Kim, Tisco cũng lỗ sau thuế 25 tỷ đồng, trái với khoản lãi gần 8 tỷ đồng của một năm trước.
Giải trình của Tisco cho biết sản lượng tiêu thụ thép cán quý III giảm gần 22.000 tấn, tương đương 11,4%, so với một năm trước. Giá bán thép cán giảm mạnh hơn giá vốn cũng dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh sa sút.
Công ty cổ phần Thép Vicasa – VNSteel (Mã: VCA) báo lỗ gần 24 tỷ đồng trong quý III vừa qua, trái ngược với khoản lãi 2,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là quý thua lỗ nặng nhất của VCA từ 2010 trở lại đây.
Ban lãnh đạo VCA cho biết nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu ảnh hưởng đến ngành thép cũng như hoạt động xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.
So với quý III/2021, sản lượng tiêu thụ quý III năm nay rất ít, giá giảm nhanh, hàng tồn kho cao làm cho lợi nhuận gộp giảm 21,6 tỷ đồng, VCA cho hay. Chi phí tài chính tăng gần 1,2 tỷ đồng do hàng hóa chậm luân chuyển, lãi vay tăng. Doanh thu thuần giảm 17,5% còn 477 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Thép Thủ Đức – VNSteel (Mã: TDS) báo cáo doanh thu thuần quý vừa qua đạt 406 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với con số 402 tỷ trong quý III năm ngoái. Lỗ sau thuế kỳ này là gần 22 tỷ đồng, cao gấp 34 lần số lỗ cùng kỳ 2021.
Giải trình của công ty cho biết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và các cuộc xung đột trên thế giới nên tiêu thụ hàng hóa chậm, tồn kho giá cao, giá cả vật tư thu mua biến động bất thường. Giá bán không bù đắp được giá vốn nên công ty lỗ gộp gần 20,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng cho Thép Thủ Đức khi hàng hóa tiêu thụ chậm và ngân hàng siết room tín dụng khiến lãi suất tăng cao.