Xuất khẩu tôm sang EU dự kiến tăng khi EVFTA có hiệu lực
Trên 50% tôm của Thụy Sỹ nhập từ Việt Nam | |
Úc bắt đầu cho phép nhập khẩu trở lại tôm chưa nấu chín |
Tháng 11/2015, Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA. Hiện nay, hai bên đã công bố lời văn và đang tiến hành rà soát pháp lý Hiệp định. Hiệp định dự kiến có hiệu lực đầu năm 2018.
Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
EU chủ yếu NK tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm nguyên liệu mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) sang EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12.5%, thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) về 0% từ 20% hiện tại.
Đối với sản phẩm tôm chế biến, tôm mã HS 16052110 (tôm dạng bột nhão) từ mức 20% hiện tại sẽ điều chỉnh về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; tôm mã HS 16052190 (tôm khác) từ 20% về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%. Tuy nhiên, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn xuất xứ của EU để được hưởng mức thuế này. Việt Nam có lợi thế hơn so với 2 nước đối thủ là Thái Lan và Trung Quốc vì 2 nước này không được hưởng GSP của EU.
EU chiếm khoảng 30,6% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới. NK tôm của EU dao động từ 6-8 tỷ USD mỗi năm. Trong 10 năm (2007-2016), NK tôm vào EU tăng từ 5,6 tỷ USD lên 6,7 tỷ USD năm 2016.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), 10 tháng đầu năm 2017, NK tôm vào EU đạt hơn 5 tỷ USD; giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2016. Anh và Pháp là 2 thị trường NK tôm lớn nhất của EU. Giá trị NK tôm của Anh đạt 700,2 triệu USD, giảm 0,6%; Pháp đạt 776,3 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, riêng trong tháng 11/2017, XK tôm sang thị trường EU tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường NK chính tôm Việt Nam với mức tăng 71% đạt 86,4 triệu USD.
Hà Lan, Anh, Đức là 3 thị trường đơn lẻ lớn nhất về NK tôm Việt Nam trong khối EU. Giá trị XK sang 3 thị trường này đều tăng trưởng mạnh với Hà Lan và Anh tăng lần lượt 93% và 87%; XK sang Đức tăng trưởng ở mức 3 con số với 114%.
11 tháng đầu năm nay, EU vươn lên là thị trường NK lớn nhất tôm Việt Nam, chiếm 22,2% tổng giá trị XK tôm Việt Nam đi các thị trường. Trong thời gian này, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 780,2 triệu USD; tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2016.
EU là thị trường NK đáng chú ý của tôm Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay với mức tăng trưởng cao, nhu cầu NK tăng mạnh. Giá trị XK tôm Việt Nam sang EU tính tới hiện tại khá tích cực do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng NK để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm.
Trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm XK tôm cho EU do hiện đang phải chịu kiểm tra 50% lô hàng tại biên giới và thông tin EU có khả năng cấm NK tôm Ấn Độ do lo ngại vấn đề kháng sinh. Ecuador và Việt Nam ngày càng tăng cường XK tôm thị trường này. Ecuador có nhiều lợi thế về nuôi tôm so với Việt Nam với nguồn giống chất lượng tốt có khả năng kháng bệnh cao. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Ecuador và EU và có hiệu lực từ ngày 01/1/2017. FTA này dự kiến làm tăng khả năng cạnh tranh của tôm chân trắng Ecuador so với các nhà cung cấp khác trong năm 2017 do được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; giảm từ 3,6% trước đó.
Trong quá trình EVFTA đang được phê chuẩn, DN cần chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và đối tác để có kế hoạch XK phù hợp.
EU là một trong những thị trường có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích là bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…DN cần đáp ứng tốt các yêu cầu tiếp cận thị trường. Nhất là khi FTA có hiệu lực với cơ hội về thuế và tiếp cận thị trường, nhưng nếu không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thì hàng hóa của Việt Nam sẽ không vào được EU dù có lợi thế FTA.