Xuất khẩu tôm quý II khởi sắc
Trong quý I/2017, nguồn tôm nguyên liệu trong nước giảm mạnh, giá thu mua nguyên liệu lại tăng cao nên nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. Về thị trường, lệnh cấm NK tôm của Úc cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao trong những tháng đầu năm. Điều này đã khiến XK tôm chững lại, giảm nhẹ 0,1% so với quý I/2016.
Đến quý II/2017, nguồn cung nguyên liệu trong nước được cải thiện đáng kể, nguồn cung tôm tại một số nước sản xuất và thị trường nhập khẩu chính giảm. Bên cạnh đó, Úc từng bước nới lỏng lệnh cấm NK tôm tạo cơ hội cho tôm Việt Nam đẩy mạnh giá trị xuất khẩu trong quý II/2017.
XK tôm Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trong nửa đầu năm nay, trừ Mỹ và ASEAN giảm.
Vị trí của top 5 thị trường NK tôm lớn nhất có sự thay đổi trong 6 tháng đầu năm nay: Nhật Bản vươn lên là thị trường lớn nhất thay cho Mỹ. EU ổn định ở vị trí thứ hai. Trung Quốc giữ vị trí thứ 3 và Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4.
XK tôm sang Mỹ sau khi tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm 2016, đảo chiều đi xuống trong quý cuối cùng của năm 2016 và tiếp tục xu hướng đi xuống trong quý I năm nay. Mặc dù, XK sang thị trường này phục hồi trong quý II nhưng không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong quý đầu năm. Do vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, XK sang thị trường này vẫn giảm 7,5% đạt 276,4 triệu USD.
XK sang Mỹ giảm là do tác động từ việc DOC tăng thuế chống bán phá giá trong POR11, đồng USD sụt giá và tác động từ các chính sách mới liên quan tới bảo hộ sản xuất trong nước của Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường Mỹ) cũng phần nào làm giảm XK tôm Việt Nam sang Mỹ.
Theo số liệu của FAS.USDA, năm 2016, Mỹ NK 605.711 tấn tôm, trị giá 5,7 tỷ USD; tăng 3% về khối lượng và 4% về giá trị so với năm 2015. Năm tháng đầu năm 2017, Mỹ tiếp tục tăng NK tôm với 233.707 tấn, trị giá 2,2 tỷ USD; tăng 7% về khối lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ấn Độ là nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, chiếm trên 29% tổng giá trị NK tôm vào Mỹ. Tiếp đó Indonesia chiếm 20,2%; Ecuador 13% Thái Lan chiếm 10,5%, và Việt Nam đứng thứ 5 chiếm gần 7,8%.
Tôm thịt nguyên liệu đông lạnh (HS0306170040) là sản phẩm được NK nhiều nhất vào Mỹ. Ấn Độ là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ, tiếp đó là Indonesia và Việt Nam. Ấn Độ tăng mạnh về khối lượng và giá trị cung cấp mặt hàng này lần lượt là 52% và 56% trong khi Indonesia giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 2% về giá trị. Việt Nam đứng thứ 3 giảm 37% về khối lượng và 36% về giá trị.
Tôm thịt chế biến đông lạnh (HS1605211030) là sản phẩm được NK nhiều thứ hai vào Mỹ. Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất, Việt Nam và Indonesia lần lượt đứng thứ hai và ba. Thái Lan giảm 6% về khối lượng nhưng tăng 6% về giá trị cung cấp mặt hàng này cho Mỹ. Việt Nam đứng thứ hai giảm 4% và 1% lần lượt về khối lượng và giá trị. Indonesia đứng thứ ba tăng lần lượt 29% và 33%. Ấn Độ và Trung Quốc đứng ở các vị trí tiếp theo tăng mạnh XK mặt hàng này sang Mỹ với mức tăng trưởng 3 con số.
Trong số 8 sản phẩm tôm chính NK vào Mỹ tính tới tháng 6/2017, giá trị NK tôm thịt chế biến đông lạnh (HS 1605211030) tăng mạnh nhất 27%.
Trong tốp 5 nguồn cung lớn nhất cho Mỹ, NK tôm từ Ấn Độ vào Mỹ tăng trưởng tốt trong cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017.
XK tôm Ấn Độ sang Mỹ tăng trưởng tốt nhờ có giá XK cạnh tranh, thuế CBPG thấp nhất trong số các nguồn cung cho Mỹ.
Do khó khăn trong XK sang Mỹ, DN nên đa dạng hóa thị trường để đảm bảo kim ngạch XK ổn định. DN cũng cần đảm bảo tuân thủ quy định của Mỹ về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất đồng thời chủ động phối hợp tích cực với cơ quan Nhà nước trong đàm phán tháo gỡ thị trường và đấu tranh với những quy định của Mỹ có tác động bất lợi tới XK của Việt Nam.
Xu hướng tăng trưởng trong nửa đầu năm nay sẽ tác động tích cực đối với XK tôm những tháng tới. XK tôm trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục tăng, nhất là khi nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường sẽ tăng mạnh trong dịp lễ Noel, Tết Dương lịch.