Xuất khẩu nông sản từ Quảng Ninh sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vẫn rộng cửa
Theo số liệu từ của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 21,3 tỷ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 7,3 tỷ USD; nhập khẩu gần 14 tỷ USD; cán cân thương mại nghiêng về nhập siêu 6,5 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây), đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết nguyên nhân khiến thương mại giữa hai nước sụt giảm là dịp Tết Nguyên đán kéo dài làm giảm đơn hàng xuất khẩu của một số ngành hàng lớn, ngoài ra lạm phát gia tăng tại nhiều nền kinh tế lớn, giá cả nguyên liệu và hàng hóa tăng dẫn đến nhu cầu mua sắm hàng hóa giảm.
Trong quan hệ thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam – Trung Quốc, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Bởi, Quảng Ninh là cửa ngõ giao thương của Việt Nam với Trung Quốc và cả khối ASEAN, xuất khẩu từ Quảng Ninh sang Quảng Tây vẫn còn nhiều dư địa bởi tỷ trọng hiện mới chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc. Còn tỉnh Quảng Tây là thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản chính của Việt Nam, chiếm gần 50% giá trị nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác thương mại với Quảng Tây theo hướng bổ trợ thị lẫn nhau, mở rộng thương mại cả hai chiều và cân bằng lợi ích.
Ở một lĩnh vực cụ thể là thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giai đoạn 2018 - 2022, thương mại thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Năm 2022, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.
“7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất gồm tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm là sản phẩm được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất với tỷ trọng 24% khối lượng và 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị nhập khẩu”, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Thông tin thêm về thương mại thủy sản Việt Nam - Quảng Tây, đại diện VASEP cho biết, Quảng Tây là địa phương lớn thứ ba ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang.
Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Năm 2022, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Quảng Tây đạt 28.400 tấn, trị giá gần 190 triệu USD. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị của tỉnh bạn.
Với những tiềm năng trên, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời, cơ quan quản lý cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.
Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.