|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu thuỷ sản trong quý II có thể phục hồi chậm

12:05 | 09/03/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) dự báo tình hình xuất khẩu thuỷ sản có thể bắt đầu phục hồi từ quý II nhưng với tốc độ chậm. Hiện nay chi cho đầu vào tăng cao trong khi các nước giảm nhập khẩu vì lạm phát.

Xuất khẩu tăng trong tháng 2 nhưng chưa phải tín hiệu phục hồi

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 10% so với tháng 1. 

VASEP đánh giá xu hướng xuất khẩu trong tháng 2 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ với mức tăng khiêm tốn 4% chưa phản ánh xu hướng hồi phục vì năm 2022, Tết Nguyên đán diễn ra vào đầu tháng 2.

Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó cá tra vẫn giảm sâu 38% xuống 240 triệu USD, tôm giảm 37% xuống 350 triệu USD, cá ngừ giảm 27% đạt 113 triệu USD.

Sự giảm sút trong tốc độ tiêu thụ thuỷ sản bắt đầu từ giữa quý III đến hết quý IV năm ngoái bởi hàng tồn kho từ các thị trường tiêu thụ lớn còn nhiều sau giai đoạn bùng nổ hậu COVID-19. Điều này được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp trong ngành. 

Xu hướng kim ngạch thuỷ sản giảm khiến hoạt động tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp gặp khó khăn, tồn kho tăng mạnh. 

Điển hình như Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp đầu ngành cá tra, ghi nhận tồn kho tính đến 31/12/2022 khoảng 3.113 tỷ đồng, tăng 66% so với hồi đầu năm. 

  Số liệu: BCTC hợp nhất quý IV của các công ty (H.Mĩ tổng hợp)

Với những doanh nghiệp xuất khẩu tôm, mức độ tăng tồn kho có vẻ thấp hơn cá tra. Chẳng hạn như Minh Phú, tồn kho tính đến cuối năm ngoái là 5.141 tỷ đổng, tăng 12% so với 1/1/2022. 

   Số liệu: BCTC hợp nhất quý IV của các công ty (H.Mĩ tổng hợp)

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng lạm phát sẽ tiếp tục là một thách lớn trong bối cảnh tồn kho còn luân chuyển chậm tại các doanh nghiệp nhập khẩu thuỷ sản. Bộ phần này cho rằng hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng quý III năm nay với các đơn hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm đó. 

Trong bối cảnh hiện tại, CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho rằng mức nền cao của năm 2022 và nhu cầu suy giảm tại thị trường Mỹ sẽ là những thách thức đối với ngành này.

Đối với mặt hàng tôm, BSC cho rằng nền kinh tế của các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU đều được dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ tôm khi tôm là mặt hàng thủy sản giá cao và giá tôm Việt Nam nhỉnh hơn 10 – 15% so với các quốc gia đối thủ.

Trao đổi với người viết, Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) nhận định trong bối cảnh lạm phát tăng cao, những mặt hàng có giá rẻ sẽ lợi thế hơn về lượng tiêu thụ.

Ông Nam dự báo tình hình xuất khẩu thuỷ sản có thể bắt đầu phục hồi từ quý II nhưng với tốc độ chậm. Hiện nay chi phí đầu vào tăng cao trong khi các nước giảm nhập khẩu vì lạm phát.

Ngoài ra, trong quý I còn tồn tại nút thắt lớn là đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm, doanh nghiệp thiếu dòng tiền vào trong khi hoạt động thu gom nguyên liệu của người dân vẫn phải tiếp tục. Rất nhiều khoản nợ mà doanh nghiệp phải cho ngân hàng chưa được thanh toán vì thiếu tiền. 

“Doanh nghiệp không có đủ dòng tiền để trả khoản nợ. Chúng tôi mong muốn được giãn nợ để có dòng tiền thu gom nguyên liệu cho nông, ngư dân, chờ đợi cơ hội từ quý II khi Trung Quốc tiêu thụ nhiều hơn. Rất nhiều vùng nguyên liệu cũng đang chờ đợi vào nguồn vốn tín dụng. Nếu doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không thu mua được thì các vùng nguyên liệu có thể giảm”, ông Nam nói. 

Kỳ vọng xuất khẩu sang Quốc có thể bù đắp sụt giảm từ thị trường khác

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Do đó, doanh thu từ Trung Quốc được kỳ vọng bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ thị trường Mỹ và EU.

 Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

Sau khi mở cửa, xuất khẩu sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2, giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 158 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ.

Thị trường Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục trong tháng 2, nên xuất khẩu vẫn giảm lần lượt 35% và 8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 2, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 164 triệu USD, giảm 53%, sang EU giảm 32% đạt 123 triệu USD.

Theo đánh giá của ông Nam, Trung Quốc đang là thị trường mà ngành thuỷ sản Việt Nam đang thực sự quan tâm, minh chứng bằng việc tốc độ xuất khẩu tăng trưởng tốt trong trong 5 qua. Trong đó, mặt hàng tươi sống chiếm khoảng 20% (tương đương 2 tỷ USD) trong tổng lượng thuỷ sản nhập khẩu của Trung Quốc. 

  Số liệu: VASEP (H.Mĩ tổng hợp)

"Đây là miếng bánh mà chúng ta có thể tham gia được. Việc xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng 33% trong tháng 2, đi ngược so với xu thế giảm sút ở các thị trường lớn khác như Mỹ, EU là tín hiệu tích cực", ông Nam nhận định.

Mặc dù xuất hiện những tín hiệu tốt từ Trung Quốc, SSI Research cho rằng điều này không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Nguyên nhân có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.

"Chúng tôi vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023", SSI Research nhận định.

H.Mĩ