|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Quá khứ huy hoàng của Thủy sản Hùng Vương (HVG): Doanh thu từng lên tới 18.000 tỷ/năm, bành trướng thâu tóm rồi 'ngộp thở' trong nợ

10:59 | 09/03/2023
Chia sẻ
Từng dẫn đầu trong ngành xuất khẩu cá tra với doanh thu có lúc đạt kỷ lục 18.000 tỷ đồng năm 2016, song do thị trường không thuận lợi, lãi vay bào mòn lợi nhuận đã dần đẩy Hùng Vương vào cảnh thua lỗ. Lỗ lũy kế tính theo công bố mới nhất tính tới tháng 9/2019 gần 1.500 tỷ đồng.

Đồ họa: Alex Chu.

Thuỷ sản là một trong số hiếm ngành mà doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thế giới, xuất khẩu được sang nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, EU. Trong đó ngành cá tra vươn mình thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của đất nước. Năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam lần đầu tiên đạt mốc trên 2,4 tỷ USD.

Những năm gần đây, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đang là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam với doanh thu cả năm 2022 hơn 13.200 tỷ đồng. Tuy nhiên ở thập kỷ trước, từng có một doanh nghiệp vượt mặt Vĩnh Hoàn lúc bấy giờ là CTCP Hùng Vương (Mã: HVG).

Giai đoạn huy hoàng của HVG

CTCP Hùng Vương tiền thân là Công ty TNHH Hùng Vương, hoạt động từ năm 2003 tại khu Công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang với ngành nghề chính là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu. Vốn điều lệ ban đầu là 32 tỷ đồng. Năm 2007, HVG chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.

Thành lập từ năm 2003 nhưng đến năm 2008, HVG mới nổi lên vượt trội nhờ chiến lược khai phá những thị trường mới, đặc biệt là Đông Âu và Nga.

Thừa thắng xông lên, HVG đưa ra chiến lược thâu tóm nhằm mở rộng vùng nuôi, tăng cường đầu tư vào mảng chế biến thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm,…

Đến năm 2011, HVG đã trở thành doanh nghiệp chế biến cá da trơn xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp duy nhất có quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, basa. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT của Hùng Vương, được mệnh danh là vua cá tra của thập kỉ trước. (Ảnh: Báo Lao động). 

Cuối năm 2012, HVG chỉ sở hữu cổ phần tại 4 công ty liên kết và một công ty liên doanh. Đến cuối 2016, công ty có tới 27 công ty con và liên kết với tham vọng chiếm 25 – 30% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành cá tra.

Bên cạnh đó, HVG còn góp mặt vào mảng bất động sản và mở rộng các kênh phân phối sang cả nước ngoài, trong đó có Nga, với kế hoạch mua lại 50% hệ thống phân phối của Russian Fish - một công ty phân phối cá đứng đầu thị trường này.

Với các hoạt động đầu tư, khoảng thời gian 2008 - 2014 được coi là giai đoạn thịnh vượng của HVG khi doanh thu bứt tốc, tăng trưởng qua các năm, lợi nhuận có lúc đạt gần 500 tỷ đồng, gấp đôi chỉ sau một năm.

Thời gian 2008 - 2014 được coi là giai đoạn thịnh vượng của HVG khi doanh thu bứt tốc, liên tục tăng trưởng qua các năm và vượt 15.000 tỷ đồng năm 2014. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Năm 2013, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc của HVG là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán, với khối tài sản trên 1.000 tỷ đồng lúc bấy giờ. Con số này mới chỉ tính số cổ phần khoảng 36% của ông ở HVG. Còn nếu tính những người có liên quan, con số thực tế lên đến 60%.

Cú trượt dài từ năm 2015, phải bán bớt tài sản để tồn tại

Song bước qua năm 2015, khi ngành cá tra có nhiều biến động, giá cá tra thời điểm đó cũng bắt đầu giảm mạnh xuống mức xấp xỉ giá vốn thì lợi nhuận của HVG bắt đầu tụt dốc. Kể từ đó, "ông vua cá tra" đã chìm sâu trong thua lỗ, đỉnh điểm năm 2019 lỗ sau thuế 1.123 tỷ đồng.

HVG vay nợ rất lớn trong quá trình bành trướng, nhất là giai đoạn 2015 - 2017 với tổng nợ đi vay của công ty hơn 8.000 tỷ đồng/năm, chiếm trên 50% tổng nguồn vốn. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Dù tình hình kinh doanh không thuận lợi, HVG lại đem tiền đi thâu tóm các doanh nghiệp khác. Đều này khiến tài sản tăng nhưng cũng đẩy nợ phải trả tăng tương ứng. Nợ vay lớn dẫn đến chi phí lãi vay cao, dao động 200 - 500 tỷ đồng mỗi năm đã dần ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kết quả, năm 2016, công ty lãi sau thuế gần 10 tỷ đồng. Nhưng sau ba năm, tức 2019, HVG đã báo lỗ sau thuế tới 1.123 tỷ.

 Chi phí lãi vay lớn qua các năm đã dần ăn mòn lợi nhuận của HVG. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).

Theo báo cáo công bố mới nhất, tính đến cuối tháng 9/2019 (năm tài chính của HVG kết thúc ngày 30/9), tổng tài sản của HVG xấp xỉ 8.025 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 3.722 tỷ, hàng tồn kho 1.649 tỷ, lần lượt chiếm 46% và 21% tổng tài sản.

Công ty ghi nhận nợ quá hạn hơn 1.560 tỷ đồng, đa số đến từ các công ty thủy sản. Tính đến 30/9/2019, giá trị đầu tư của HVG tại các công ty liên doanh, liên kết là 625 tỷ đồng, giảm hơn 150 tỷ so với giá gốc đầu tư.

Vào cuối năm 2017, công ty phải bán đứt các công ty con như Sao Ta (Mã: FMC) cho nhóm cổ đông SSI, bán đi 50% vốn tại CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng .

Tháng 2/2018, HVG bán lô đất tại 765 Hồng Bàng (TP HCM), thu về 370 tỷ đồng; hoàn tất bán lô đất tại 94 Phạm Đình Hổ (TP HCM) trong tháng 3/2018 và thu về 190 tỷ đồng. Song song đó, công ty còn bán bớt các vùng nuôi trồng.

Hành động này của HVG nhằm tái cấu trúc, thoái bớt vốn những công ty thành viên không hiệu quả để có được nguồn tiền, duy trì hoạt động chung.

Riêng về năm 2019, ông Dương Ngọc Minh phải nhận định "đó là một năm đầy rẫy những khó khăn", bao gồm cú sốc nhận mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ; thị trường cá nguyên liệu trong nước tới chu kỳ thoái trào sau hai năm tăng trưởng nóng là 2017 - 2018 và khó khăn tài chính ba năm liền khi ngân hàng chậm giải ngân vốn.

 Vùng nuôi cá của HVG. (Ảnh minh họa: HVG).

Đầu năm 2020, Hùng Vương quyết định bắt tay với Thadi - thuộc Thaco Group để giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn. Chỉ hai tháng sau, Thadi đã rút chân khỏi danh sách cổ đông, cùng lúc phía Thaco đã mua thỏa thuận gần 60 triệu cổ phiếu HVG, nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 26%. 

Ngỡ như sự tham gia của Thaco là "ánh sáng cuối đường hầm" như cách mà tập đoàn này đã và đang làm với HAGL Agrico, đến tháng 8/2020, HVG bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hủy niêm yết bắt buộc và phía Thaco cũng đã thoái sạch số cổ phần tại HVG sau gần một năm đầu tư.

Không lâu sau, ngày 11/8/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo về việc hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM đối với cổ phiếu HVG, chỉ được giao dịch vào ngày thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 13/8.

Mới nhất, ngày 28/2/2023, cổ phiếu HVG đã bị điều chỉnh từ trạng thái bị hạn chế giao dịch sang trạng thái bị đình chỉ giao dịch. Cũng kể từ năm 2020, sau sự rời đi của Thaco, HVG cũng không có thêm động thái đáng chú ý nào.

Minh Hằng