|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gỗ tháng 2 tiếp tục giảm do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó

21:30 | 08/03/2023
Chia sẻ
Hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2 vẫn giảm.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính trong tháng 2, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 800 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng trước và giảm gần 11% so với tháng 2/2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 490 triệu USD, giảm 0,3% so với tháng 1 và giảm 29,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

 (Số liệu: Tổng cục Hải quan. Tổng hợp: Như Huỳnh)

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động xuất khẩu đã trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nhưng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 2 vẫn giảm là do tình trạng thiếu đơn hàng từ trước đó.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 982 triệu USD, giảm 47,5%.

Tình trạng thiếu đơn hàng và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trong tháng 1 là yếu tố chính khiến trị giá xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất và có tốc độ giảm mạnh.

 

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng ghế khung gỗ đạt 164 triệu USD, giảm gần 53% so với tháng 1/2022; tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 119,3 triệu USD, giảm hơn 63%; đồ nội thất phòng ngủ đạt 79,5 triệu USD, giảm 64,7%...

Đáng chú ý, trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong tháng 1, chỉ có mặt hàng viên nén gỗ có trị giá tăng và mặt hàng dăm gỗ có trị giá giảm nhẹ so với tháng 1/2022. Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu dăm gỗ và viên nén gỗ. 

Trong bối cảnh  đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ tăng cường kết nối giao thương tại các hội chợ như Vifa Expo 2023 để tiếp cận trực tiếp với đối tác tiềm năng và nhà mua hàng quốc tế. (Ảnh: Như Huỳnh) 

Để cải thiện tình hình, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại với quy mô hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đã liên tục được tổ chức. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, mà còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.  

Theo Ban tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu, sự kiện năm nay thu hút hơn 600 doanh nghiệp tham gia, tăng gấp 3 lần so với năm 2022, trong đó có 1/5 là doanh nghiệp nước ngoài. Các hoạt động được chú trọng là xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi hay Nam Mỹ...và tập trung vào các bạn hàng lớn.

"Đặc biệt mời các tập đoàn, nhà mua hàng lớn tham quan hội chợ để họ tăng mua hàng của mình; đồng thời tổ chức các buổi phân tích của chuyên gia về thói quen, yêu cầu mua hàng của từng địa phương khác nhau để các doanh nghiệp tiếp cận được, tăng khả năng bán hàng", ông Đặng Quốc Hùng, Ban Tổ chức Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ Xuất khẩu Vifa Expo Việt Nam, thông tin.

Như Huỳnh