|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xuất khẩu gỗ sang Mỹ gặp khó do chi phí vận tải biển tăng cao

20:29 | 09/07/2024
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tuy vậy, chi phí vận tải biển sang thị trường này đang ở mức rất cao lên tới 7.000 - 8.000 USD/container, đôi khi ngang bằng với giá trị sản phẩm gây khó khăn cho xuất khẩu.

Toạ đàm Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh, chiều 9/7. (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp). 

Chiều 9/7, tại Toạ đàm Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 5 thế giới về tổng kim ngạch xuất khẩu và thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc nếu chỉ tính đến nhóm sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao là đồ mộc trong nhà và ngoài trời.

Đáng chú ý, trong 5 thị trường lớn nhất của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu), Mỹ khi chiếm tới gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, nghĩa là nếu Mỹ nhập khẩu 10 chiếc ghế thì trong đó có 4 là Made in Vietnam.

Tuy nhiên, sản phẩm gỗ khác với sản phẩm khác như hàng điện tử, giày da, dệt may khi hàng thường rất cồng kềnh. Trong khi đó, chi phí vận tải biển đang ở mức rất cao.

“Hiện nay một container sản phẩm gỗ vận chuyển tới Mỹ thì cước vận tải lên tới 7.000 - 8.000 USD. Đôi khi giá trị sản phẩm gỗ trong container chỉ tương đương số tiền trên”, ông Hoài nêu rõ.

Bên cạnh chi phí cao, các doanh nghiệp gỗ còn phải đối mặt với thách thức chuyển đổi xanh trong cả khâu logistics.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cho biết chuyển đổi xanh của công nghiệp logistics là một trong những quyết định thành bại của nghề gỗ. Bên cạnh đó, gỗ cũng là sản phẩm rất “nhạy cảm” với môi trường, do đó, thiết lập chế biến xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh cũng trở nên rất cấp thiết hiện tại.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam.  (Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp).  

Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), việc xây dựng một ngành logistics bền vững và có khả năng thích ứng nhanh là rất cấp bách và là xu hướng tất yếu. Thậm chí, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp logistics lớn như các hãng tàu, doanh nghiệp cảng biển… đã có lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh sớm hơn lộ trình của các quốc gia đã cam kết.

“Phát triển chuỗi cung ứng xanh không còn là câu chuyện của tương lai, mà phải là ngay bây giờ, không còn là lựa chọn mà là sự bắt buộc. Phát triển chuỗi cung ứng xanh cũng chính là sự thay đổi cần thiết, gắn liền với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% (net zero) mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tạo ra khả năng chống chịu trước các cú sốc

Nhìn nhận tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…

Khi các mắt xích đó đều "xanh" thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực sản xuất, năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.

"Từ yêu cầu đó, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm", ông Vinh nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Vinh cho rằng, Chính phủ xem xét có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ví dụ như có cơ chế ưu đãi về thuế, tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình vận tải đa phương thức, xây dựng tín dụng các-bon để bảo vệ và kiểm soát lượng khí thải nhà kính…

Ở góc độ doanh nghiệp, cần nhanh chóng xây dựng, bổ sung chiến lược để phù hợp với định hướng phát triển xanh và bền vững trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện nay. Đối với các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển logistics xanh, thậm chí đã xác định mục tiêu phát triển logistics xanh trong chiến lược của doanh nghiệp, cần thường xuyên rà soát nội dung chiến lược và tình hình thực hiện phát triển logistics xanh để có điều chỉnh phù hợp, đúng thực tiễn.

"Doanh nghiệp cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả", ông Vinh nêu rõ. 

Ngọc Bảo