|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vinamilk tìm động lực từ các dự án mới?

17:37 | 09/07/2024
Chia sẻ
Công ty sữa đầu ngành đang đẩy mạnh trở lại nhiều dự án quy mô lớn như tổ hợp Vinabeef, Nhà máy sữa Hưng Yên, trang trại Lao Jargo, thiên đường sữa Mộc Châu để tạo thêm xung lực mới cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo cập nhật từ Chứng khoán DSC, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) sẽ có thêm các động lực tăng trưởng mới từ các dự án lớn giai đoạn 2024-2030, khi các dự án mới được đẩy mạnh trở lại sau khi bị chậm vì thủ tục đất đai. 

"Chúng tôi kỳ vọng các dự án sẽ mang lại động lực mới cho Vinamilk trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chững lại trong các năm gần đây", chuyên gia nhận định. 

Trong quý I/2024, khoản mục xây dựng cơ bản dở dang đã tăng 65% kể từ đầu năm. Mức tăng này nhiều khả năng đến từ việc doanh nghiệp đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện dự án tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef tại Vĩnh Phúc. 

 Phối cảnh  tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo. Ảnh: VNM. 

Dự án này do Vinamilk và công ty con Vilico hợp tác đầu tư với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Quy mô dự kiến 500 triệu USD (khoảng 12.500 tỷ đồng); riêng giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. 

Trong giai đoạn đầu, Vinabeef dự kiến ghi nhận công suất chế biến 10.000 tấn thịt bò mát mỗi năm khi đi vào hoạt động và ước tính doanh thu đến 2.550 tỷ đồng - tương đương nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng.  

DSC dẫn thông tin tổ hợp chăn nuôi, chế biến bò này đã thử nghiệm được 20 lứa và cho kết quả khả quan. Dự kiến sản phẩm chính thức sẽ ra mắt thị trường trong quý IV/2024 và mang lại động lực mới với doanh thu 2.550 tỷ đồng mỗi năm.  

Một dự án lớn khác được đẩy mạnh là việc khởi công Nhà máy sữa Hưng Yên trong tháng 7. Nhà máy có công suất thiết kế 400 triệu lít sữa/năm dự kiến vận hành giai đoạn 1 từ quý IV/2025. Dự án có thể nâng khoảng 40% tổng công suất các nhà máy của Vinamilk. 

Hiện Vinamilk là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa nắm giữ hơn 50% thị phần. Doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nhất cả nước khi sở hữu 15 trang trại với tổng đàn bò hơn 140.000 con và 16 nhà máy công suất 1 tỷ lít/năm. 

Bên cạnh đó, công ty cũng đang hoàn thành giai đoạn 1 dự án Tổ hợp Trang trại bò sữa Lao-Jagro ( Vinamilk nắm 51% cổ phần) với đàn bò 8.000 con và sản lượng sữa 44.000 tấn/năm. Gia đoạn 1 có quy mô thiết kế 24.000 con bò trên diện tích 1.000 ha.

Giai đoạn 2 của dự án dự kiến mở rộng trang trại lên 15.000 - 20.000 ha với quy mô chăn nuôi 100.000 con. Tổng vốn đầu tư trong hai giai đoạn sẽ lên tới 500 triệu USD. 

Thiên đường sữa Mộc Châu đã hoàn thành phân khu trang trại giống; các thành phần còn lại đang trong quá trình giải quyết thủ tục đất đai. Giai đoạn 1 của dự án có thiết kế 500 tấn sữa/ngày với tổng vốn đầu tư 3.150 tỷ đồng.  

 Nguồn: DSC tổng hợp. 

Ngoài việc tìm kiếm động lực từ các dự án mới, Vinamilk còn được dự báo gặp thuận lợi trong giai đoạn tới khi giá sữa bột nguyên liệu đầu vào vẫn đang ở mức thấp so với giai đoạn 2021-2022. Công ty cũng đã chốt giá và tích trữ trước nguyên vật liệu cho đến quý IV. 

Trong khi đó, giá các loại ngũ cốc là nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi vẫn trong đà giảm kể từ vùng đỉnh 2022. Với diễn biến này, DSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp năm nay của công ty sẽ được cải thiện lên mức 42% từ mức 40% năm 2023.

Sức mua trong nước hồi phục dần kể từ quý II, khi chuyên gia nhận định mức nền lãi suất sẽ thẩm thấu vào nền kinh tế và việc kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng đến cuối 2024.

Doanh thu thị trường nước ngoài cũng cho thấy tín hiệu hồi phục nhanh hơn thị trường nội địa. Biên lợi nhuận gộp thị trường nước ngoài đã cải thiện thêm 2% so với quý trước và là mức cao nhất trong 2 năm trở lại đây.

Thực tế, doanh thu các chi nhánh tại Mỹ và Campuchia ghi nhận tăng trưởng bất chấp lạm phát nhờ cải thiện vị thế thương hiệu. Bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống như Đông Nam Á hay Trung Đông, Vinamilk đang đẩy mạnh chiến lược thâm nhập vào các thị trường mới như Châu Phi và Nam Mỹ.

Huy Lê