|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng đặt mục tiêu nâng tốc độ tăng trưởng ngành logistics lên 20%

16:21 | 02/12/2024
Chia sẻ
Đây là một trong ba mục tiêu để phát triển ngành logistics được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024.

Sáng 2/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024 với chủ đề "Khu thương mại tự do, giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" do Bộ Công Thương cùng UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng nhấn mạnh một số kết quả, thành tựu phát triển ngành logistics Việt Nam thời gian qua, tiêu biểu trong đó là việc hạ tầng logistics phát triển nhanh với nhiều công trình lớn, hiện đại. 

Trong đó, hạ tầng đường bộ có nhiều đột phá, ví dụ như hệ thống đường cao tốc đã đạt trên 2.000 km. Việt Nam cũng đang quyết tâm xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, kết nối đường sắt với Lào, Trung Quốc. Hệ thống sân bay phát triển tương đối tốt, khu xử lý hàng hóa riêng biệt tại các cảng hàng không đang được hoàn thiện.

Năng lực đường thủy nội địa được nâng cao với 298 cảng nội địa; hình thành các cảng biển cửa ngõ, bến chuyên dùng gắn với khu công nghiệp trung tâm công nghiệp, với 286 bến cảng, 95 km cầu cảng, 25 tuyến quốc tế…; đẩy mạnh đầu tư các trung tâm logistics với 69 trung tâm lớn và vừa, chuyển mạnh sang trung tâm thế hệ mới ứng dụng công nghệ 4.0… 

Nhìn chung, ngành logistics đã phát huy đa dạng các phương thức vận tải, giảm dần phụ thuộc vào vận tải bằng đường bộ. 

Song song với đó, số doanh nghiệp logistics tiếp tục gia tăng, với quy mô hiện đại, khả năng cạnh tranh cao. Cụ thể, năm 2023, cả nước có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới. Việt Nam hiện đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Mỹ. 

Mặt khác, phát triển nhân lực logistics cũng đang được đẩy mạnh, tập trung vào ba cấp độ đào tạo: đại học và trên đại học; cao đẳng, trung cấp; đào tạo ngắn hạn và 49 trường đại học có ngành học logistics.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tạiphiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024. (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế như: nhận thức về ngành logistics và tiềm năng, vị trí của Việt Nam; chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế; quy mô của ngành so với quy mô GDP Việt Nam và quy mô ngành logistics toàn cầu còn hạn chế; hạ tầng logistics còn lạc hậu...

Thủ tướng khẳng định, thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh khai thác không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ, chuyển đổi số, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực, tạo điều kiện thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển ngành logistics phải đi theo các xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng nêu rõ ba mục tiêu phát triển ngành logistics, gồm:

Một là, giảm chi phí logistics so với GDP Việt Nam từ 18% xuống còn 15% trong năm 2025.

Hai là, nâng tỷ trọng ngành logistics Việt Nam trong quy mô GDP từ 10% lên 15% và phấn đấu đạt 20%, đồng thời nâng tỷ trọng của ngành logistics Việt Nam so với quy mô ngành logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5% và phấn đấu đạt 0,6%.

Ba là, nâng tốc độ tăng trưởng của ngành logistics Việt Nam từ 14 - 15% mỗi năm hiện nay lên 20%.

Để hiện thực hoá ba mục tiêu đã đề ra cũng như phát triển ngành logistics, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế đạt hai con số trong những năm tới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp theo 7 giải pháp được Thủ tướng nêu tại sự kiện.

Cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành logistics và vị trí ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Việt Nam để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng cũng như lợi thế cạnh tranh trong chuỗi logistics thế giới.

Bên cạnh đó, cần tạo đột phá thể chế theo hướng thông thoáng để phát triển ngành logistics; xây dựng quản trị thông minh và đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; đẩy mạnh hội nhập, ngoại giao logistics và hiện đại hóa ngành logistics nội địa; xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do.

Thủ tướng yêu cầu xây dựng hạ tầng logistics hiện đại, thông suốt để giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là phát triển ngành hàng không, hàng hải và đường sắt tốc độ cao.

Đồng thời, ngành logistics phải có sự kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông (hàng không, hàng hải, đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa), kết nối với giao thông quốc tế và các khu thương mại tự do của thế giới.

Anh My

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.