|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo ST24 tăng phi mã hơn 500%

09:54 | 18/06/2021
Chia sẻ
Theo VITIC, xuất khẩu gạo thơm ST24 và ST25 ghi nhận đà tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. Đặc biệt, xuất khẩu gạo ST24 đạt gần 13 nghìn tấn, tăng 513% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 11 nghìn tấn (87%) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) tính đến hết tháng 4, chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực với lượng gạo thơm xuất khẩu đạt hơn 682 nghìn tấn, tăng hơn 11% so cùng kỳ năm 2020.

Các thị trường tiêu thụ chính là Gana (26%), Philippines (24%), Bờ Biển Ngà (17,5%)...

Đặc biệt, xuất khẩu gạo thơm ST24 và ST25 ghi nhận đà tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. Xuất khẩu gạo ST24 đạt gần 13 nghìn tấn, tăng 513% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 11 nghìn tấn (87%) được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu gạo ST25 cũng tăng rất mạnh lên mức 2,3 nghìn tấn trong 4 tháng đầu so với chỉ 5 tấn của cùng kỳ năm ngoái và đồng thời tăng gấp đôi so với con số 1,2 nghìn tấn của cả năm 2020.

Trong đó, 98% lượng gạo ST25 (hơn 2,2 nghìn tấn) đã được xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Việc gạo Việt Nam liên tục có mặt trong top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới những năm gần đây (gạo ST25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 và giải nhì năm 2020) đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các nhà nhập khẩu gạo tại Mỹ.

Tuy nhiên, để cạnh tranh với các loại gạo thơm của Thái Lan và Ấn Độ tại Mỹ, bên cạnh đảm bảo chất lượng và sản lượng, việc xây dựng một thương hiệu mạnh ngay từ đầu cũng là vấn đề quan trọng.

Trong 4 tháng đầu, lượng gạo nếp xuất khẩu cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức gần 385 nghìn tấn với thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Ngược lại, lượng gạo trắng xuất khẩu giảm mạnh xuống còn gần 856 nghìn tấn, giảm 22% so với 4 tháng năm 2020. Trong đó, Philippines chiếm 61,5% thị phần trên tổng khối lượng gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam, Cuba chiếm gần 11%, Malaysia chiếm gần 6%...

Tương tự, gạo trắng, lượng xuất khẩu gạo giống Nhật và nhóm gạo lứt, gạo hữu cơ, gạo Huyết Rồng… giảm 58,5% và gần 66% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo VITIC, xuất khẩu gạo trong 5 tháng đầu năm giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá xuất khẩu trung bình gạo đạt 543 USD/tấn, tăng gần 12% .

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu gạo thu về trong 5 tháng đầu đạt gần 2,6 triệu tấn, tương đương với lượng gạo xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch đạt 1,49 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau khi giảm trong quý đầu tiên của năm, xuất khẩu gạo đã tăng trở lại từ đầu quý II nhờ nguồn cung được bổ sung từ vụ Đông Xuân và nhu cầu tăng tại các thị trường lớn như Philippines, Trung Quốc, Ghana, Bangladesh…

Hoàng Anh

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.