Chuyện thương hiệu gạo ST25: Bài học mất bò mới lo làm chuồng
Mất bò mới lo làm chuồng
Tổ chức The Rice Trader (TRT) vừa phát đi cảnh báo Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" do có nhiều doanh nghiệp đã vi phạm bản quyền khi sử dụng logo này để in trên bao bì gạo kinh doanh trong nước và xuất khẩu nhưng chưa có sự đồng ý của TRT.
Theo công bố của TRT, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là công ty Việt Nam đầu tiên được The Rice Trader cho phép sử dụng biểu trưng giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới" vào mục đích tiếp thị và kinh doanh.
Trong khi đó, có khoảng 10 công ty Việt Nam sử dụng thương hiệu này để in trên bao bì, tài liệu quảng bá trong nước và xuất khẩu nhưng không xin phép hay có sự đồng ý của TRT.
Trao đổi với người viết, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam (VSTA) cho biết đây không phải lần đầu tiên sản phẩm của Việt Nam bị doanh nghiệp ở các quốc gia các đăng ký bản quyền. Trước đó câu chuyện này từng xảy ra với nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên…
Tuy nhiên, chỉ khi có nguy cơ mất thương hiệu, doanh nghiệp Việt mới sốt sắng phản ánh, kiện cáo giành lại những thứ vốn thuộc về mình, "mất bò mới lo làm chuồng".
"Doanh nghiệp Việt Nam tham dự những sân chơi tầm cỡ thế giới thì buộc chúng ta phải chấp nhận luật chơi. Thế giới coi sở hữu trí tuệ như một loại tài sản vô hình, có giá trị cực lớn.
Tuy nhiên, Việt Nam hội nhập nhưng chưa quan tâm đến việc bảo vệ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu", ông Định nói.
Trước cảnh báo của TRT về việc Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới", ông Định phân tích: "Việt Nam chỉ có nguy cơ không được tham gia, không có nghĩa là mất hoàn toàn".
Theo ông Định, ST25 vẫn có cơ hội tham gia cuộc thi. Bởi, sân chơi này không có tiêu chí ngăn cấm, các quốc gia, doanh nghiệp ở các quốc gia khác nhau gửi sản phẩm tham dự, miễn là sản phẩm dự thi tuân thủ các quy định, thể lệ của cuộc chơi.
Bảo vệ thương hiệu ST25 bằng cách nào?
Quay lại câu chuyện, ST25 ở Mỹ bị 4 doanh nghiệp Mỹ đăng ký bảo hộ, bản quyền. Về Luật sở hữu trí tuệ và Luật đăng ký bảo hộ bản quyền ở Mỹ, trong lãnh thổ của Mỹ, khi một sản phẩm chưa được đăng ký bảo hộ, thì bất kỳ ai, doanh nghiệp nào đều có quyền nộp hồ sơ xin đăng ký.
Tuy nhiên, việc có được cấp chứng nhận bảo hộ hay không thì cơ quan chức năng của Mỹ sẽ phải xem xét, rà soát xem có đơn thư khiếu nại từ trong và ngoài nước.
Ông Định cho biết: "Khi thương hiệu ST25 chưa rơi vào tay doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam và Công ty Hồ Quang Trí cần liên hệ và nộp đơn khiếu nại sớm nhất với các cơ quan cấp cấp bảo hộ nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ tại Mỹ.
Chúng ta phải chiến đấu để giành lại bản quyền của ST25 ở thị trường Mỹ".
Khi sự việc xảy ra, dư luận chê trách doanh nghiệp sở hữu ST25 chưa quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Song, thực tế Công ty Hồ Quang Trí chưa xuất khẩu sản phẩm gạo, mà chủ yếu chỉ bán giống lúa. Sản phẩm gạo ST25 do họ sản xuất sản lượng cũng rất ít và chỉ bán trong nước.
Trong khi, việc đăng ký thương hiệu, bản quyền ở các quốc gia xuất khẩu lớn tốn khá nhiều chi phí, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiềm lực tài chính để bảo vệ nhãn quyền hàng hóa của mình.
"Thông tin tôi được biết thì Công ty Hồ Quang Trí đã liên kết với đơn vị tư vấn và luật sư nhằm đăng ký thương hiệu tại một số quốc gia xuất khẩu và khiếu nại các doanh nghiệp sử dụng logo ST25 với các cơ quan chức năng của Mỹ".
Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước chỉ có vai trò quản lý, chứ không thể làm thay việc của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc "cha đẻ" gạo Việt Nam ngon nhất thế giới năm 2019, ông Hồ Quang Cua muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước, ông Định cho biết: "Vấn đề này chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp nhóm tác giả bán hoặc hiến tặng bản quyền cho Nhà nước thì Nhà nước sẽ đứng ra đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các nước trên thế giới và cho tất cả doanh nghiệp, nông dân Việt Nam được tự do sản xuất và thương mại giống lúa, sản phẩm gạo từ giống lúa này", ông Định nói.