|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu gạo sôi động trở lại

20:05 | 15/03/2023
Chia sẻ
Trong tháng 2, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 534.607 tấn, trị giá 286,2 triệu USD, tăng 48,8% về lượng và 53,4% về trị giá so với tháng trước. Tại trong nước, giá gạo đã có phần hạ nhiệt trong những tuần gần đây nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo tăng trở lại

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo trong tháng 2 đã cho thấy sự sôi động trở lại sau ba tháng giảm liên tiếp với khối lượng đạt 534.607 tấn, trị giá 286,2 triệu USD, tăng 49% về lượng và 53% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm 2022 tăng 15% về lượng và 29% về trị giá.

Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 893.256 tấn, trị giá 472,4 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm nhẹ 8,1% về lượng nhưng tăng 1% về trị giá do mặt bằng giá cao hơn. 

Theo đó, giá gạo xuất khẩu bình quân trong 2 tháng đầu năm tăng 9,8% so với cùng kỳ lên mức 529 USD/tấn.

Tính riêng trong tháng 2, giá gạo xuất khẩu tăng tháng thứ 5 liên tiếp, với mức tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ, lên mức bình quân 535 USD/tấn. Đây cũng là mức giá xuất khẩu cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 7/2021.

Khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm 2021 – 2023 (ĐVT: nghìn tấn)

Nguồn: Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 45% thị phần với 401.975 tấn, trị giá 204,69 triệu USD, giảm 25% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay theo nhiều dự báo đạt tương đương năm ngoái nhưng các nhà nhập khẩu đang chờ đợi nguồn cung từ vụ thu hoạch mới của Việt Nam.

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc cũng tăng mạnh 86,4% về lượng và 120,6% về trị giá, đạt 152.640 tấn, trị giá 90 triệu USD.

Ngoài ra, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Indonesia tăng vọt từ 425 tấn của cùng kỳ năm ngoái lên 143.786 tấn trong 2 tháng đầu năm nay, con số này cũng vượt xa khối lượng 119.205 tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia trong cả năm ngoái.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã khởi sắc trở lại kể từ đầu năm nay sau khi nước này tái mở cửa nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch. Còn với Indonesia, từ cuối năm ngoái Chính quyền của Tổng thống Joko Widodo đã đẩy mạnh các hoạt động nhập khẩu gạo để tăng cường kho dự trữ quốc gia.

Ngoài các thị trường kể trên, xuất khẩu gạo sang Đài Loan tăng tới 4,8 lần; các thị trường tại EU như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan cũng tăng lần lượt 85%, 211%, 282%. Ngược lại, sự sụt giảm được ghi nhận ở Bờ Biển Ngà, Malaysia, Hong Kong, Ghana và UAE...

 Nguồn: Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch Đông Xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên.

Mới đây, tại Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I và quý II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ cũng đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.

Còn theo Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhờ khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.

"Với việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Còn tại thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật, cho biết theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm và 20.000 tấn gạo lứt.

"Các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 Euro/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế", ông Nhật chia sẻ.

Giá lúa gạo hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân 2023, nguồn lúa tại các kho về nhiều và giá có xu hướng giảm nhẹ. Tại An Giang, tính đến ngày 15/3, giá các loại lúa gạo giảm từ 200 - 300 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 2.

Tuy nhiên, so với thời điểm cách đây một năm giá lúa gạo trong nước vẫn đang cao hơn khoảng 17 - 18% (1.000 đồng/kg).

Tương tự, trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo của Thái Lan và Việt Nam đang cao hơn 60 và 42 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái, còn Ấn Độ tăng khoảng 14 USD/tấn.

Diễn biến giá gạo xuất khẩu của các nước sản xuất lớn từ đầu năm 2022 đến nay  (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Mặc dù vậy, từ đầu tháng 3 đến nay giá gạo thế giới cũng có chiều hướng chững lại và giảm nhẹ.

Theo Reuters, tính đến giữa tháng 3, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 385-390 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn trong tuần trước và giảm 10 USD/tấn so với khoảng 400 USD/tấn ghi nhận trong tuần kết thúc ngày 23/2, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành tại Satyam Balajee, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Ấn Độ, cho biết giá gạo xuất khẩu và giá cước vận tải tăng gần đây đã ảnh hưởng đến nhu cầu.

Ấn Độ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm đối với xuất khẩu gạo tấm lẫn mức thuế 20% đối với các lô hàng xuất khẩu gạo trắng, do nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới này nỗ lực kiềm chế giá gạo nội địa, theo hai nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho hay. 

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giữ ổn định ở mức 440-445 USD/tấn. Các nhà giao dịch cho hay vụ thu hoạch Đông Xuân đang đạt đỉnh tại các tỉnh ĐBSCL, làm tăng nguồn cung trong nước, nhưng không tác động lên giá do nhu cầu dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao.  

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức 460 USD/tấn, so với mức 450-460 USD/tấn của tuần trước đó. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho hay giá gạo vẫn neo ở mức này bởi cung và cầu khá trầm lắng.

Hoàng Hiệp