Xuất khẩu dệt may, da giày: Nhộn nhịp từ đầu năm
Xuất khẩu dệt may, da giày: Sức bật từ việc đón đầu công nghệ mới | |
Vì sao xuất khẩu dệt may bứt phá 'khủng' trong hội nhập? |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2018, kim ngạch XK dệt may, da giày đều tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch XK dệt may đạt 2,49 tỷ USD, chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của cả nước, tăng 15,5% so với tháng 1/2017. Nhìn chung, XK hàng dệt may của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong tháng những đầu năm đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Myanmar tăng 144,5%, đạt 2,34 triệu USD; Ai Cập tăng 133%, đạt 0,28 triệu USD; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 117,7%, đạt 3,92 triệu USD; Ucraina tăng 104%, đạt 0,42 triệu USD; Hungari tăng 100%, đạt 0,15 triệu USD.
Tại các thị trường lớn, kim ngạch XK của ngành dệt may cũng khá khả quan. Trong đó, kim ngạch XK sang thị trường Mỹ đạt 1,19 tỷ USD, tăng gần 11%; XK sang Nhật Bản đạt 309,53 triệu USD, tăng 22%; XK sang Hàn Quốc đạt 255,84 triệu USD, tăng 18,8%; XK sang Trung Quốc đạt 108,72 triệu USD, tăng 63,8%; XK sang EU đạt 332,74 triệu USD, tăng trên 5,8%.
Nhận định về tình hình XK dệt may trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tình hình XK của ngành dệt may đầu năm nay tốt hơn năm 2017. Đến thời điểm này nhiều DN đã có đơn hàng đến hết tháng 6, có một số DN đã có đơn hàng đến hết tháng 9. Cơ hội tăng kim ngạch, mở rộng thị trường của ngành dệt may sẽ còn khả quan hơn nếu Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sớm có hiệu lực.
Sản xuất da giày, túi xách tại Công ty Giày Viễn Thịnh. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Trong tháng đầu năm, hoạt động XK giày dép cũng khá khả quan với kim ngạch XK 1,42 tỷ USD, tăng trên 21% so với tháng đầu năm 2017. XK giày dép sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, đáng chú ý là XK sang Ấn Độ tăng mạnh nhất 138,8%, đạt 9,93 triệu USD; Trung Quốc tăng 68,8%, đạt 129,55 triệu USD, Singapore tăng 67%, đạt 6,55 triệu USD, Bồ Đào Nha tăng 58,5%, đạt 0,38 triệu USD, Achentina tăng 54,3%, đạt 9,21 triệu USD, Đài Loan tăng 51,5%, đạt 12,96 triệu USD, Mỹ tăng 33,6% đạt 506 triệu USD, XK sang Nhật Bản đạt 98,4 triệu USD, tăng 39,6%.
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, năm 2018 ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt bởi có nhiều yếu tố thuận lợi. Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến sẽ được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 đến 4,2% khi XK vào EU tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%, đặc biệt là mức thuế sản phẩm chủ lực giày thể thao, chiếm tới 2/3 tổng lượng giày XK vào EU sẽ giảm ngay chứ không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%. Quy tắc xuất xứ áp dụng như GSP (Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập) nên khá thuận lợi. Năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Để đạt được những mục tiêu trên, Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ tăng cường tham gia các hoạt động tham vấn các cơ quan nhà nước trong việc ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững…
Đơn hàng nhiều, kim ngạch tăng cao, tuy nhiên, khó khăn chung của ngành dệt may, da giày hiện nay là chi phí đầu vào không ngừng tăng trong khi giá gia công không tăng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN. Để giải quyết khó khăn này, trong thời gian qua các DN cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí như áp dụng sản xuất tinh gọn, đồng thời tìm các giải pháp tăng cường liên kết, nâng cao sự chủ động về nguyên phụ liệu, giảm bớt nhập khẩu, để giảm chi phí đầu vào và tận dụng các ưu đãi thuế từ các FTA đã được ký kết.