|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu dệt may có thể giảm 10% trong năm 2023

11:13 | 01/08/2023
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2023 được dự báo giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 40 tỷ USD; tình hình khó khăn hiện tại có thể kéo dài đến hết năm.

Tại Hội nghị giao ban với thương vụ Việt Nam ở nước ngoài ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo nhu cầu mặt hàng dệt may trên toàn thế giới năm nay giảm 8 - 10%. Do đó, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2023 có thể giảm 10% so với năm ngoái xuống khoảng 40 tỷ USD; tình hình khó khăn hiện tại có thể kéo dài đến hết năm.           

Theo ông “chưa có năm nào ngành dệt may khó khăn như vậy” khi các doanh nghiệp phải chấp nhận làm mặt hàng không phải sở trường của mình, chấp nhận lỗ để giữ chân người lao động. 

“Kim ngạch xuất khẩu giảm không đáng lo bằng việc hiệu quả không cao. Giá bán xuống rất thấp, doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, năng suất cũng rất thấp”, ông nói. 

 

 Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Ảnh: H.Mĩ)

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2023, tác động tiêu cực của dịch bệnh cùng những biến động chính trị trên thế giới khiến cho tăng trưởng kinh tế  toàn cầu tiếp tục suy giảm. Trong khi đó, 85% sản lượng hàng dệt may của Việt Nam dùng cho xuất khẩu. 

Ngành dệt may theo đó chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm đơn hàng từ các thị trường chính như Mỹ, EU. 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu  dệt may ước đạt đạt 18,6 tỷ USD giảm 17,6% so với cùng kỳ 2022.

 Số liệu: VITAS (H.Mĩ tổng hợp)

Mức giảm sâu này không chỉ bởi tác động của nền kinh tế mà còn đến từ áp lực “xanh hóa” ngành, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD, EU và Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ 1/1/2023).

Bên cạnh đó, mặc dù NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng do lãi suất huy cao từ cuối năm 2022, nên lãi suất vay vẫn ở mức cao. Doanh nghiệp không tiếp cận được với các gói hỗ trợ, ví dụ giảm lãi suất 2% với gói 40.000 tỷ.

Hiện nhiều doanh nghiệp đến nay chưa đủ đơn hàng cho quý III và IV. Bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường.

Một vấn đề khác mà ngành dệt may gặp phải là chi phí cao hơn nhiều so với các nước đối thủ, đặc biệt là Bangladesh. Chi phí sản xuất của nước này thấp hơn 15 - 20% so với Việt Nam do các chi phí nhân công, bảo hiểm xã hội, thuế đều thấp. 

Bà Bùi Thị Hoàn Chủ tịch HĐQT CTCP Thêu may Mỹ Đức cho biết có những trường hợp doanh nghiệp tập kết nguyên phụ liệu để sản xuất nhưng rồi lại huỷ đơn vì chi phí quá cao so với nước khác. 

“Khách hàng của chúng tôi liên huỷ đơn vì họ tìm được thị trường ưu thế hơn Việt Nam và làm với thị trường giá thấp hơn. Chẳng hạn như Indonesia, lao động phổ thông chỉ cần nhu cầu 170 USD/tháng để chi trả cuộc sống. Thuế xuất khẩu và nhập khẩu ở Việt Nam đối với ngành dệt may vẫn còn cao, lên tới 25%. Trên 30 năm trong ngành, chưa năm nào khó khăn như năm nay”, bà Hoàn nói. 

Bà Hoàn mong muốn được giảm, hoãn giãn nộp thuế đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để vượt qua khó khăn hiện tại.

 Bà Bùi Thị Hoàn Chủ tịch HĐQT CTCP Thêu may Mỹ Đức (Ảnh: H.Mĩ)

Để hoàn thành mục tiêu năm nay, Hiệp hội Dệt may cho rằng các doanh nghiệp cần chú trọng 3 vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động  và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa.

Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

H.Mĩ